Quán cắt tóc thành điểm sinh hoạt văn hóa

.

Ông Nguyễn Lương làm nghề cắt tóc ở tổ 28 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) hơn 40 năm qua. Điều đặc biệt, tiền công cắt tóc tăng từ 2.000 đồng trước đây lên 10.000 đồng hiện nay không phải do ông tự nâng giá, mà chính khách hàng “ép” ông nâng giá. Họ gọi người đàn ông ngoài 50 tuổi này là người tử tế.

Ông Nguyễn Lương tận tụy cắt tóc cho khách hàng. Quán của ông trưng bày đủ loại nhạc cụ và sách, báo.  	              Ảnh: T.HUY
Ông Nguyễn Lương tận tụy cắt tóc cho khách hàng. Quán của ông trưng bày đủ loại nhạc cụ và sách, báo. Ảnh: T.HUY

Ông Nguyễn Lương cho biết, trước khi đi bộ đội, ông học nghề cắt tóc, rồi mở quán cắt tóc. Sau đó, ông đi bộ đội (tham gia Lữ đoàn 173, Quân khu 5), đến năm 1983 xuất ngũ, trở về lại tiếp tục làm nghề cắt tóc cho đến bây giờ. Lúc vắng khách, ông mang các loại nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, đàn guitar, cả guitar điện… ra chơi. “Chiều nào bạn bè và những người khác cùng yêu thích nhạc tập trung chỗ quán tôi. Ai thích nhạc cụ nào thì chơi loại đó. Mọi người bảo quán của tôi là câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ”, ông Lương thổ lộ.

Trên bàn làm việc của ông có mấy tập vở ô ly nhàu nhĩ, ông khoe đấy là những sáng tác về thơ và nhạc của ông. Có lẽ ông không chỉ mê nghề cắt tóc mà còn mê nghệ thuật.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là nhiều người ở những khu vực khác cũng biết ông Lương và cứ nhất định đến quán ông để chờ cắt tóc và tranh thủ… đọc báo. Ông Lê Văn Thương (ở tổ 45, khu phố 2 phường Hòa Hiệp Nam) kể, ông không muốn cắt tóc ở nơi khác, ngoại trừ chỗ ông Lương. “Đơn giản ông ấy cắt đẹp, lại chẳng bận tâm đến tiền nong. Không những thế, tôi đến đây còn nhiều điều thú vị khác, đó là trong lúc chờ đợi đến lượt cắt tóc thì được đọc báo để nắm bắt thông tin”, ông Thương nói.
Gần một năm nay, Đảng ủy phường Hòa Hiệp Nam đặt điểm đọc báo tại quán cắt tóc của ông Lương, với hàng loạt đầu báo: báo Đà Nẵng, báo Công an Đà Nẵng, báo Nhân dân… Các tạp chí, sách báo, cả tập san hoạt động của địa phương cũng được trưng bày nơi đây. Mọi người đến cắt tóc, đọc báo rồi trao đổi, bàn luận về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố để tuyên truyền, vận động nhau cùng thực hiện.

Ông Nguyễn Xí, ở khác khu dân cư với ông Lương, kể rằng tiền công cắt tóc chỉ mấy ngàn đồng, khách thấy thế phải tự nâng giá nhưng cũng không quá 10.000 đồng. Đưa thêm tiền thì ông Lương trả lại. Điều này cũng làm không ít người cảm thấy ái ngại.

Còn ông Lê Thanh Tùng, tổ trưởng tổ 33, nhà ở đối diện quán cắt tóc ông Lương cho biết, đây là tấm gương người tử tế bởi hầu hết với người già, trẻ nhỏ đến cắt tóc, ông Lương không lấy tiền. Ông Tùng cũng cho biết, việc triển khai mô hình quán cắt tóc - điểm đọc báo tại quán cắt tóc của ông Lương là rất hiệu quả, bởi không chỉ cung cấp thông tin cho người dân, mà còn là cách tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách hiệu quả và tích cực.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.