Phòng chống bệnh học đường ở học sinh tiểu học

.

Bàn ghế được mua sắm cùng kích cỡ theo quy định, trong khi thể trạng của học sinh tiểu học không đồng đều nhau. Khi ngồi viết bài, các em có vóc dáng cao to phải khom lưng xuống nên nguy cơ mắc bệnh cận thị, cong vẹo cột sống rất dễ xảy ra.

Những năm qua, Trường tiểu học Trần Văn Ơn “xé rào” chỉnh sửa bàn ghế phù hợp với dáng vóc học sinh nhằm phòng ngừa bệnh học đường.
Những năm qua, Trường tiểu học Trần Văn Ơn “xé rào” chỉnh sửa bàn ghế phù hợp với dáng vóc học sinh nhằm phòng ngừa bệnh học đường.

Phụ huynh lo lắng

Em M.K (học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu) có vóc dáng cao to hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Mẹ K. cho biết, ở nhà, chị thường xuyên dặn dò con gái phải ngồi thẳng lưng, đúng tư thế khi học bài. Tuy nhiên, ở trường, bàn ghế thấp so với vóc dáng của K., nên mỗi khi ngồi viết bài, cháu phải khom người. Mẹ K. lo lắng con dễ mắc bệnh cận thị hoặc sau này sẽ bị cong vẹo cột sống.

Một số phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) cũng lo lắng khi bàn ghế ở lớp học cùng một kích cỡ, chưa thật sự phù hợp với nhiều học sinh có vóc dáng cao to. Chị N.T.H cho biết, nhiều lần thấy con gái ngồi viết bài mà phải khom lưng trong lớp học, chị lo con mắc bệnh cận thị.

Theo bác sĩ Hoàng Tùng (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng), nếu trẻ ngồi viết bài trong tư thế gập người do bàn ghế thấp so với vóc dáng, nguy cơ mắc bệnh cận thị, cong vẹo cột sống rất dễ xảy ra. Bác sĩ Hoàng Tùng cho rằng, tốt hơn hết nên bố trí bàn ghế phù hợp với thể trạng của trẻ để tránh các bệnh học đường.

Chỉnh sửa bàn ghế phù hợp

Việc mua sắm bàn ghế ở các trường học được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16-6-2016 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Khoa học - Công nghệ và Bộ Y tế. Thông tư này quy định 6 cỡ bàn ghế tương ứng với chiều cao của học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT. Vì thế, khi ngành GD-ĐT mua sắm bàn ghế cho mỗi cấp học đều có một kích cỡ như nhau.

Trước thực tế trên, một số trường học trên địa bàn thành phố đã “xé rào” bằng cách chỉnh sửa bàn ghế phù hợp với dáng vóc học sinh trong từng lớp học nhằm ngăn ngừa các bệnh học đường.

Chẳng hạn, ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu), những năm qua, nhà trường đã xin bàn ghế cũ của học sinh THCS về cải tạo lại cho phù hợp với thể trạng của học sinh tiểu học. Bởi vậy, nhiều lớp học ở Trường tiểu học Trần Văn Ơn có những bộ bàn ghế tuy không cùng kích cỡ nhưng phù hợp với dáng vóc từng học sinh.

Ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, nhằm giúp học sinh tránh các bệnh học đường, thời gian qua, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn quận căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh lại bàn ghế cho phù hợp với dáng vóc học sinh trong các khối lớp, đồng thời bố trí ngồi cho mỹ quan và dễ học.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT, việc mua sắm bàn ghế theo Thông tư liên tịch số 26 tại các trường chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, trường học vận dụng Thông tư liên tịch số 26 và có điều chỉnh chiều cao, chiều sâu của bàn ghế cho phù hợp với phòng học hiện có của các trường. Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học phối hợp cùng các tổ chức thực hiện chăm sóc mắt miễn phí cho học sinh; đầu tư cơ sở vật chất như: bàn ghế, bóng đèn, trang thiết bị dạy học đúng chuẩn để hạn chế thấp nhất các bệnh học đường.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.
.