Báo Đà Nẵng nhận được đơn của bà Huỳnh Thị Thanh (trú K814/51 Trần Cao Vân, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) trình bày quá trình hoạt động cách mạng của cha bà là ông Huỳnh Văn Xuân (còn gọi là Huỳnh Thanh Xuân, SN 1920, nguyên quán khối 5, phường Thanh Lộc Đán). Bà Thanh mong muốn cơ quan chức năng xác nhận cha bà là liệt sĩ và cho bà hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với thân nhân của người có công cách mạng.
Theo trình bày của bà Thanh, năm 1945, cha bà là tự vệ chiến đấu ở làng Thanh Khê (nay là phường Thanh Khê Đông), trong chiến đấu bị thương bàn chân phải, được xuất ngũ về địa phương tiếp tục điều trị. Giai đoạn 1951-1960, ông Xuân là cơ sở cách mạng thuộc khu Tây Đà Nẵng, làm Trưởng ban tuyên truyền xóm Hà Tây và cùng với mẹ ông (bà Hồ Thị Lùn) nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ khu Tây, quận Nhì.
Ông Xuân bị địch bắt giam 3 lần, tra tấn dã man nhưng không khai báo, cuối cùng được trả tự do. Năm 1964, cơ sở cách mạng bị lộ, ông Xuân thoát ly lên núi nhưng sau đó được bố trí về lại địa phương hoạt động cách mạng hợp pháp. Năm 1965, cơ sở của ông Xuân tiếp tục bị lộ, địch bắt giam ông nhiều tháng. Đến mồng 7 tháng 7 (âm lịch) năm 1965, vì muốn bảo vệ cơ sở bí mật của cách mạng, ông Xuân đã tự thiêu tại nhà.
Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, nội dung trình bày của bà Thanh chỉ dựa trên lời kể của bà, trong khi lý lịch lưu trữ và lịch sử Đảng bộ địa phương không có nội dung nào cho thấy ông Huỳnh Văn Xuân từng là cơ sở hoạt động cách mạng, tự thiêu để bảo vệ bí mật của cách mạng. Do đó, địa phương không có căn cứ để đề xuất với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xem xét giải quyết yêu cầu của bà Thanh về việc hoàn tất các thủ tục công nhận cha bà là liệt sĩ.
Theo Điều 6 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nêu rõ: Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ ngày 30-6-1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ sau có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng: lý lịch theo quy định; hồ sơ của người đã được khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập; hồ sơ liệt sĩ; lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên…
Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ: Không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp chết do tự bản thân gây nên hoặc do vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị; những trường hợp chết từ ngày 31-12-1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết, để có cơ sở xem xét, giải quyết nội dung trình bày của bà Huỳnh Thị Thanh, bà Thanh có thể trực tiếp mang lý lịch, hồ sơ của ông Huỳnh Văn Xuân đến gặp lãnh đạo sở tại Phòng Tiếp dân vào sáng thứ hai (lúc 9 giờ 30) và chiều thứ sáu (lúc 14 giờ) hằng tuần.
TIỂU YẾN