Tại một số nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, ngã tư giao giữa cầu Hòa Xuân và đường Thăng Long, ngã tư Hà Huy Tập - Điện Biên Phủ… thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ vào giờ cao điểm. Đặc biệt, tại nút phía tây cầu Rồng, nhiều người phải mất vài lượt đèn tín hiệu giao thông mới qua được điểm này…
Vào khung giờ cao điểm, dòng xe cộ xuôi về khu vực trung tâm thành phố dễ gây nên cảnh kẹt xe cục bộ. |
Từ 17-18 giờ hằng ngày, dòng phương tiện ùn ùn đổ về nút giao thông phía tây cầu Rồng từ nhiều hướng. Hướng từ ngã tư Trần Phú - Thái Phiên đã có dấu hiệu kẹt xe, từng hàng dài ô-tô nối nhau nhích từng chút trên đường; đến đoạn Trần Phú-Nguyễn Văn Linh-Trưng Nữ Vương thì kẹt xe nhiều hơn.
Thỉnh thoảng vài người điều khiển xe máy leo lên vỉa hè phía trước trụ sở Trung tâm Hành chính quận Hải Châu để nhanh chóng thoát khỏi điểm ùn tắc này. Trong khi đó, hướng từ đường 2 Tháng 9 về nút cầu Rồng cũng rơi vào tình trạng kẹt xe…
Tương tự, vào các khung giờ cao điểm (từ 7-8 giờ và 17-18 giờ), tại ngã tư giao giữa cầu Hòa Xuân và đường Thăng Long (quận Cẩm Lệ), tình trạng kẹt xe cục bộ liên tục xảy ra. Tại nút phía tây cầu Trần Thị Lý giao với đường 2 Tháng 9, thường xuyên có 2-3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng nhưng vẫn ùn tắc cục bộ.
Tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hoàng (quận Hải Châu) thường xuyên xảy ra kẹt xe do người tham gia giao thông thiếu ý thức, không chấp hành biển báo đỗ xe ngày chẵn, lẻ. Được biết, tuyến đường Nguyễn Hoàng giáp ranh giữa hai phường Nam Dương và Vĩnh Trung. Dù đã được lắp đặt biển báo cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ nhưng tại nút Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hoàng có quán cà-phê, khách dừng đỗ xe đoạn gần đèn tín hiệu giao thông gây ảnh hưởng đến TTATGT, thậm chí đỗ ô-tô trên vỉa hè.
Lãnh đạo UBND phường Nam Dương đã yêu cầu Công an phường làm việc với chủ quán cà-phê góc Nguyễn Hoàng-Nguyễn Văn Linh, đề nghị nhắc nhở khách để xe gọn gàng trên vỉa hè, không làm ảnh hưởng đến TTATGT. Lãnh đạo phường Nam Dương cũng yêu cầu các cửa hàng dán xe, dán điện thoại gần đó không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, cùng với sự gia tăng phương tiện cá nhân (đặc biệt là ô-tô), lượng phương tiện lưu thông qua các nút giao ngày càng nhiều, tập trung vào một số giờ cao điểm gây ùn tắc.
Đơn cử, để giải quyết tình trạng ùn tắc tại nút giao cầu Hòa Xuân với đường Thăng Long, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các phương án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó có giải pháp tổ chức giao thông một chiều đường Thăng Long theo hướng từ cầu Hòa Xuân đi cầu Cẩm Lệ; thu hẹp vỉa hè, mở rộng mặt đường tại khu vực các nút giao…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng địa bàn các quận Hải Châu và Thanh Khê xuất hiện 20 điểm ùn tắc giao thông, tập trung tại một số tuyến Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Điện Biên Phủ. Sở GTVT vừa trình UBND thành phố xem xét 4 phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm thành phố từ nay đến năm 2025.
Cụ thể, phương án 1 tổ chức giao thông một chiều 2 trục dọc và 4 trục ngang khu vực trung tâm; phương án 2 bao gồm nội dung phương án 1 và tổ chức một chiều xen kẽ các tuyến đường ngang kết nối đường Trần Phú và đường Bạch Đằng; phương án 3 gồm phương án 2 kết hợp với tổ chức một chiều tuyến đường Nguyễn Hoàng theo hướng Ông Ích Khiêm về Lê Đình Lý và mở rộng kiệt thành tuyến đường ngang kết nối giữa đường Hoàng Diệu và Nguyễn Hoàng; phương án 4 bổ sung thêm công trình vượt sông Hàn và hầm qua sân bay…
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải, dự báo đến năm 2020, tổng nhu cầu giao thông trên toàn thành phố hơn 4,8 triệu chuyến đi/ngày đêm; năm 2022 gần 5,2 triệu chuyến đi/ngày đêm; năm 2025 hơn 6,2 triệu chuyến đi/ngày đêm. Trong đó, khu vực quận Hải Châu có nhu cầu hơn 1,4 triệu chuyến đi/ngày đêm vào năm 2020; hơn 1,5 triệu chuyến đi/ngày đêm vào năm 2022 và gần 1,9 triệu chuyến đi/ngày đêm vào năm 2025. |
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ