Tự ý che cửa thoát nước dễ gây ngập cục bộ

.

Hiện nay, hệ thống thoát nước trên địa bàn Đà Nẵng là cống thoát chung giữa nước mưa và nước thải nên người dân thường dùng các vật dụng che chắn cửa thoát nước nhằm ngăn mùi hôi. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở hai quận trung tâm Hải Châu và Thanh Khê. Việc che chắn như thế là một trong những nguyên nhân gây ngập cục bộ khi mưa lớn.

Vị trí cửa thu nước trước nhà số 428 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) bị người dân dùng xi-măng bít kín 2/3 chiều dài miệng cống.
Vị trí cửa thu nước trước nhà số 428 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) bị người dân dùng xi-măng bít kín 2/3 chiều dài miệng cống.

Trên địa bàn phường Thạch Thang (quận Hải Châu), các tuyến đường dễ bị ngập cục bộ khi có mưa lớn bao gồm: Quang Trung (đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến cây xăng Quang Trung); Đống Đa (đoạn từ cây xăng đến đoạn giao với đường Lê Lợi); Nguyễn Du (đoạn giao với đường Trần Phú đến giao với đường Phan Bội Châu); Lý Thường Kiệt... Tuyến đường Mai Am - Hải Hồ (phường Thuận Phước) cũng thường xuyên bị ngập cục bộ. Ngoài nguyên nhân do hệ thống thoát nước chưa bảo đảm, việc người dân tự ý dùng vật che chắn miệng cống thu nước cũng góp phần gây ngập cục bộ.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên, có nhiều cách để che miệng cống: dùng bao tải, bạt phủ lên; dùng tấm đan, ván chặn miệng cống, thậm chí có nơi còn che ván rồi trám xi-măng bịt miệng cống... Tương tự, trên địa bàn quận Thanh Khê, việc người dân tự ý dùng các vật che chắn cửa thu nước xảy ra phổ biến ở các tuyến đường: Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập, Trần Cao Vân, Lê Độ... Theo ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang, thông qua các cuộc họp giao ban với khu dân cư, tổ dân phố, phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tự ý dùng vật cản che miệng cống thoát nước nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.

Đại diện phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu xác nhận có tình trạng người dân tự đặt vật cản che cửa thu nước để ngăn mùi hôi, bởi hầu hết các cửa thu nước trên các tuyến đường thuộc quận chưa được lắp van ngăn mùi. Theo đại diện phòng Quản lý đô thị, chưa thể xử phạt hành vi này. “Khi đã đầu tư các hệ thống van ngăn mùi rồi mà người dân vẫn cố tình che chắn, làm ảnh hưởng việc thoát nước thì qua kiểm tra, phát hiện mới có cơ sở để xử lý”, vị này phân tích và cho biết UBND quận hằng năm đều chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra, nhất là thời điểm trước mùa mưa, để kịp thời tháo dỡ vật che chắn.  

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê, UBND quận cũng đã gửi thông báo tới các địa phương yêu cầu thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và nhắc nhở người dân để bảo đảm việc thoát nước, tránh gây ngập cục bộ ở các tuyến đường.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) thành phố cho biết, việc người dân tự ý đặt vật cản trên các miệng cống thu nước xảy ra ở hầu khắp các tuyến đường trung tâm của thành phố, nhất là những tuyến đường đông dân cư và quanh chợ, bởi đó là những điểm mà mùi hôi từ dưới cống bốc lên nồng nặc nhất. Theo ông Mai Mã, toàn thành phố hiện nay có trên 1.000km cống rãnh thoát nước, với khoảng hơn 20.000 cửa thu nước. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố là hệ thống chung (cả thoát nước mưa lẫn thoát nước thải) nên có tình trạng bốc mùi hôi; đồng thời, rác thải lọt vào cửa thu nước và bị tụ lại là một nguyên nhân khác dẫn đến ngập cục bộ khi mưa lớn.

Được biết, năm 2018, Công ty TN&XLNT Đà Nẵng nhận bàn giao 30 tuyến đường được nâng cấp và có sử dụng hệ thống van ngăn mùi ở các cửa miệng cống thu nước. Các van ngăn mùi này tự động đóng, mở, bình thường van sẽ đóng nên mùi không thể bốc từ cống lên; còn khi mưa lớn, nhờ áp lực nước, van sẽ đẩy ra và nước chảy xuống. “Về cơ bản, hệ thống van ngăn mùi đã giải quyết được tình trạng mùi hôi, bảo đảm khả năng thoát nước tốt và chi phí vừa phải.

Còn để giải quyết triệt để việc dùng vật che chắn cửa thu nước, thành phố cần đầu tư hệ thống các hố ga ngăn mùi (si-phông) nhưng chi phí gấp 3 lần so với hệ thống van ngăn mùi. Do đó, chúng tôi kiến nghị thành phố trước mắt triển khai hệ thống van ngăn mùi tại các địa bàn trọng điểm, sau đó triển khai trên toàn thành phố. Phương pháp này khá hiệu quả và giúp tiết kiệm chi phí đầu tư”, ông Mai Mã phân tích.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.