Tại Đà Nẵng, mô hình lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh ở các khu dân cư (KDC), tổ dân phố (TDP) từ nguồn kinh phí xã hội hóa đóng góp quan trọng vào phong trào phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, số camera này cũ và bị hỏng khá nhiều, trong khi công tác quản lý, bảo dưỡng còn hạn chế.
Hệ thống camera giám sát an ninh được truyền về trụ sở Công an phường Nam Dương (quận Hải Châu). |
Phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) là địa phương khởi điểm thực hiện mô hình “camera giám sát an ninh” từ năm 2016, sau đó nhân rộng ra toàn quận và toàn thành phố.
Hiện nay, phường có 121 camera an ninh được lắp đặt trong các KDC, TDP, kiệt, hẻm từ nguồn xã hội hóa; chưa kể hàng ngàn camera do hộ gia đình, doanh nghiệp tự nguyện lắp.
Ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng TDP 25 phường Xuân Hà cho biết, khi UBND phường chủ trương lắp camera an ninh, tổ đã vận động các hộ dân đóng góp kinh phí lắp tại K49/27 Hà Huy Tập, nhưng đến nay camera bị hỏng.
“Trong thời gian chờ sửa chữa, một hộ dân đã tự bỏ kinh phí ra lắp tạm camera”, ông Quang nói và cho biết nhân dân trong tổ mong sớm lắp camera mới nhưng phải bảo đảm chất lượng cũng như hiệu quả.
Theo Thiếu tá Phạm Thanh Sơn, Phó trưởng Công an phường Xuân Hà, hơn 3 năm đi vào hoạt động, hệ thống camera này đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, chỉ có 70/121 camera đang hoạt động, còn lại bị hỏng. “Hệ thống camera lắp ngoài trời nên thời tiết tác động làm một số camera hỏng; một số không hoạt động do dây điện bị đứt, đường truyền kết nối wifi không hoạt động. Một số camera khác do hộ dân chuyển nhà, sửa nhà, không thể nhờ mạng wifi nên phải chuyển đi vị trí khác.
Chúng tôi đã rà soát, báo cáo HĐND phường cho chủ trương vận động kinh phí xã hội hóa và bố trí kinh phí từ ngân sách để sửa chữa camera”, Thiếu tá Sơn cho biết.
Tương tự, trên địa bàn phường Nam Dương (quận Hải Châu), 70% trong số 60 camera thuộc hệ thống camera giám sát an ninh lắp đặt từ nguồn xã hội hóa đã bị hỏng. Trong đó, từ TDP 18-21 khu Châu Thành 1 có 8 camera thì hư hỏng hơn 50%.
Theo Đại úy Mai Thanh Sơn, Trưởng Công an phường Nam Dương, dù số lượng camera phủ kín tương đối các KDC nhưng hiện nay chỉ khoảng 30% số camera có chất lượng tốt và còn hoạt động.
Song, theo Đại úy Sơn, đây là số camera mới được UBND phường bố trí kinh phí để lắp đặt lại. Còn hệ thống camera sử dụng cách đây 2-3 năm thì hầu hết bắt đầu chập chờn và hư hỏng, chưa kể số camera này do người dân đóng góp kinh phí nên chất lượng không đồng đều và còn nhiều hạn chế.
Theo Trung tá Ngô Văn Thái, Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào, Công an quận Hải Châu, toàn địa bàn quận có 1.828 camera an ninh do người dân đóng góp và lắp đặt tại các KDC. Qua kiểm tra, tới nay có 205 camera bị hư hỏng, 146 camera bị mất tín hiệu và một số camera bị mờ, khuất tầm nhìn.
Trung tá Thái cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là số camera này do phường vận động người dân đóng góp, nhiều đơn vị thi công lắp đặt nên việc kiểm soát và đồng bộ gặp nhiều khó khăn.
“Chưa kể việc sử dụng nhờ mạng wifi nên khi người dân tắt mạng thì camera bị gián đoạn và mất tín hiệu. Qua thời gian sử dụng, camera bị hư hỏng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa. Một số camera loại cũ được lắp từ năm 2016 chỉ lưu trong đầu ghi và lưu được thông tin khoảng 10 ngày, không thể truyền hình ảnh trực tiếp về Công an phường”, Trung tá Thái nói.
Một camera từ nguồn vận động xã hội hóa được lắp đặt tại K379 Trần Cao Vân (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê). |
Trên địa bàn quận Thanh Khê, 10 phường có tổng cộng 924 camera từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, hiện có 217 camera không hoạt động. Theo Thiếu tá Bùi Duy Thái, cán bộ phụ trách Đội Xây dựng phong trào, Công an quận Thanh Khê, có nhiều nguyên nhân: camera lắp ngoài trời, qua thời gian bị ảnh hưởng thời tiết dẫn tới hạn chế về chất lượng hình ảnh; việc sửa chữa, bảo dưỡng không thường xuyên, kịp thời do thiếu kinh phí cũng khiến thiết bị xuống cấp dẫn tới hư hỏng, kém chất lượng.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, mới đây, UBND quận đã thống nhất bổ sung kinh phí cho 13/13 phường, mỗi phường gần 1 tỷ đồng để sửa chữa hệ thống camera xã hội hóa trên địa bàn quận.
Trước mắt, đã thí điểm lắp mới 50 camera tại phường Hải Châu 2, thay toàn bộ hệ thống camera cũ và bước đầu phát huy hiệu quả. “Sắp tới sẽ triển khai toàn quận để từng bước đồng bộ hóa hệ thống camera trên địa bàn, góp phần thuận lợi trong công tác khai thác, sử dụng và quản lý đạt hiệu quả cao”, ông Lê Anh nói.
Theo Thượng tá Trần Văn Tám, Trưởng Công an quận Thanh Khê, trên cơ sở tổng rà soát toàn bộ hệ thống camera giám sát an ninh, Công an quận sẽ tham mưu UBND quận xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống camera giám sát phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự”.
“Chúng tôi chỉ đạo Công an các phường đề xuất UBND phường bố trí kinh phí sửa chữa, lắp đặt đường truyền có tính ổn định để bảo đảm việc truyền tải dữ liệu thuận lợi, giúp phát hiện các tệ nạn, hành vi gây mất trật tự”, Thượng tá Trần Văn Tám nhấn mạnh.
Theo Công an thành phố Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có 3 hệ thống camera giám sát gồm: hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông, trật tự được UBND thành phố đầu tư và giao cho Công an thành phố quản lý, điều hành, khai thác, sử dụng với số lượng 1.802 camera. Hệ thống camera giám sát trật tự an toàn giao thông tại 45 vị trí, với 143 camera nhằm chủ động phát hiện, ghi nhận, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, hệ thống camera xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân tự lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự tại các tổ dân phố, kiệt, hẻm, nhà riêng, cửa hàng…, tính đến ngày 15-9-2019 đã lắp đặt 24.081 camera với kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng. Hệ thống này tận dụng nguồn điện, đường truyền internet sẵn có của nhà dân và dữ liệu được truyền về Trung tâm lưu trữ được đặt tại Công an các phường, xã để khai thác, sử dụng. Từ khi đưa hệ thống camera vào vận hành, khai thác, đã phát hiện, điều tra, truy xét, xử lý 1.582 vụ phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật, trong đó cướp tài sản: 11 vụ; cướp giật tài sản: 28 vụ; trộm cắp tài sản: 546 vụ; cố ý gây thương tích: 144 vụ; hủy hoại tài sản: 24 vụ; tai nạn giao thông: 276 vụ; các vụ việc vi phạm về trật tự an toàn xã hội khác: 553 vụ. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH