Chậm trả lời phản ánh của người dân

.

Theo Quyết định số 341/QĐ-UBND ngày 16-1-2017 của UBND thành phố về quy chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý ý kiến của tổ chức, công dân qua Tổng đài 1022 và Cổng góp ý tại Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố, thời hạn địa phương, đơn vị tiếp nhận xử lý và phản hồi kết quả là 7 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ, lễ). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh một số đơn vị nhanh chóng kiểm tra, xử lý thông tin, hiện có không ít địa phương chậm trả lời, hoặc trả lời qua loa khiến người dân chưa thật sự hài lòng.

Thông qua việc tiếp nhận góp ý, nhiều địa phương chú trọng hơn vấn đề xây dựng môi trường sống lành mạnh, xanh, sạch hơn. TRONG ẢNH: UBND quận Sơn Trà tổ chức dọn vệ sinh tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.
Thông qua việc tiếp nhận góp ý, nhiều địa phương chú trọng hơn vấn đề xây dựng môi trường sống lành mạnh, xanh, sạch hơn. TRONG ẢNH: UBND quận Sơn Trà tổ chức dọn vệ sinh tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.

Chính quyền địa phương chưa quan tâm

Anh M. (ngụ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, ngày 1-4-2019, anh gửi đến Cổng góp ý nội dung phản ánh việc chủ nhà 806 Tôn Đức Thắng xây dựng trái phép và lấn chiếm đất công. Qua theo dõi, anh M. thấy hệ thống này đã tiếp nhận thông tin và chuyển về UBND quận Liên Chiểu xử lý. Tuy nhiên, đến ngày 18-7-2019, anh M. mới nhận được thông tin kiểm tra, xử lý của UBND quận, trễ 99 ngày so với quy định.

Tương tự, một phản ánh của người dân liên quan dự án đường Trần Hoành và nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn được gửi tới Cổng góp ý ngày 2-1-2019 nhưng đến ngày 17-4-2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn mới có văn bản trả lời, trễ 104 ngày.

Đó chỉ là 2 trong hàng ngàn nội dung phản ánh của người dân chưa được chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết. Một đại diện Trung tâm thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (PSC) cho biết, việc kiểm tra, xử lý thông tin của nhiều địa phương, đơn vị có sự chậm trễ, thậm chí có địa phương nhận thông tin xong rồi “quên”, khi được “nhắc” mới nhớ và có phản hồi cần thiết cho người dân.

Đơn cử, trong tháng 11 vừa qua, thông qua Cổng góp ý, PSC đã chuyển 389 nội dung phản ánh của người dân đến cơ quan chức năng để xử lý. Đến nay, mới có 271 ý kiến được xử lý, phản hồi, đạt 69,7% (xử lý quá hạn 64 ý kiến). Đối với các ý kiến đã được cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý, PSC ngay lập tức thông tin kết quả cho tổ chức, công dân biết và đăng tải trên Cổng góp ý.

Tăng cường giám sát

Một người dân (xin giấu tên) sinh sống trên đường An Cư 7, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho biết, cách đây không lâu, gia đình chị gửi thông tin phản ánh qua trang facebook của UBND phường về việc tuyến đường này nhếch nhác, thiếu không gian do bị một số hộ dân để cây cảnh, bàn xi-măng, lấp cát trồng rau lấn chiếm vỉa hè. Ngay sau khi phản ánh, UBND phường An Hải Bắc lập tức chỉ đạo tổ quy tắc đô thị kiểm tra, nhắc nhở và phối hợp với các hộ di dời những chậu cảnh, bàn đá và dọn dẹp vỉa hè sạch sẽ...

Theo người phản ánh nói trên, rất đáng ghi nhận tinh thần cầu thị của lãnh đạo phường. Tuy nhiên, chị nói rằng, cách xử lý của chính quyền địa phương chưa thật sự đồng bộ. Đường An Cư 7 khá ngắn, khoảng 200 mét, có hộ lấn chiếm vỉa hè thì bị xử lý, có hộ không. Ngay cả việc trồng rau trên vỉa hè, dù đã được báo chí phản ánh và chính quyền địa phương cam kết sẽ xử lý, nhưng đến nay tình hình chưa thật sự như mong muốn.

Theo bà Phạm Thị Từ Thu, Phó Giám đốc PSC, để thuận tiện trong việc theo dõi xử lý của các đơn vị, địa phương, mỗi tháng PSC đều báo cáo thống kê số lượt góp ý, phản ánh, hiến kế; từ đó phân loại, chuyển tiếp về các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý, phản hồi đến người dân. Trong các thống kê này, PSC cũng nêu rõ con số ý kiến được cơ quan chức năng tiếp nhận, phản hồi và phản hồi trong bao nhiêu ngày.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc xử lý rốt ráo và hiệu quả những phản ánh của người dân thông qua điện thoại đường dây nóng và mạng xã hội là một nỗ lực mở rộng dân chủ và an dân của chính quyền thành phố. Nhìn chung đây là một điểm son của Đà Nẵng trong việc thu phục nhân tâm, tạo niềm tin của người dân, từ đó tạo nên sức mạnh đồng thuận cần thiết để phát triển thành phố.

Để điểm son này ngày càng rõ nét và lan rộng hơn, theo ông Tiếng, chính quyền thành phố nên có sự tổng kết để phát hiện những điểm nghẽn, chẳng hạn điểm nghẽn về trách nhiệm công vụ của những công chức được phân công tiếp nhận thông tin, của những công chức được phân công chuyển tin, của những công chức được phân công xử lý thông tin và của những công chức được phân công phản hồi kết quả xử lý thông tin đến tận người dân.

“Trong tiếp nhận và xử lý thông tin, cần chú trọng việc phân công cụ thể trong cả quy trình và quan trọng hơn là cần giám sát, kiểm tra cụ thể để tìm ra điểm nghẽn xuất hiện ở khâu nào trong quy trình ấy, từ đó nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của những công chức liên quan đến khâu gây nên điểm nghẽn. Đặc biệt, trong việc giải quyết từng vụ việc mà người dân đã phản ánh, cũng cần hết sức tránh tình trạng giải quyết thì rất triệt để nhưng theo kiểu “chỗ triệt”, “chỗ để” thiếu công bằng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân”, ông Tiếng nói.

Từ đầu năm đến nay, Cổng góp ý tại Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố đã tiếp nhận hơn 4.600 ý kiến phản ánh, qua đó biên tập, chuyển hơn 3.700 ý kiến đến cơ quan chức năng. Đến nay, khoảng gần 3.600 nội dung đã được đơn vị liên quan xử lý, phản hồi (đúng hạn gần 2.500, quá hạn hơn 1.090) và đang xử lý 149 nội dung (còn hạn hơn 100, quá hạn 48)...

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.