Qua đường dây nóng

Xử lý ngập cục bộ ở thôn Lệ Sơn Nam

.

Qua “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng, một số người dân ở tổ 2, thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) cho biết, hơn một năm nay, tại địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ sau trận mưa lớn. Đặc biệt, từ bão số 6 đến nay, nước vẫn ứ đọng ở nhiều khu vực, không thể thoát tự nhiên ra xứ đồng Rú như trước đây.

Tình trạng nước ứ đọng lâu ngày tại khu vực hẻm 2, thôn Lệ Sơn Nam. Ảnh: H.LÊ
Tình trạng nước ứ đọng lâu ngày tại khu vực hẻm 2, thôn Lệ Sơn Nam. Ảnh: H.LÊ

Một người dân trú tổ 2, thôn Lệ Sơn Nam cho hay, trước đây thông thường chỉ sau vài ngày, nước mưa ứ đọng tại khu vực sẽ thoát tự nhiên ra khu vực xứ đồng Rú. Tuy nhiên, do tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại địa phương hiện khá cao, mật độ xây dựng nhà và tường rào kiên cố dày đặc khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng gây ngập úng cục bộ. Chưa kể, nhiều mảnh vườn thấp trũng trở thành nơi gom nước, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, trồng trọt của người dân. Tình trạng ứ đọng diễn ra khoảng hơn 1 năm nay dù xung quanh khu vực có khá nhiều hạng mục thoát nước.

Theo quan sát của phóng viên vào ngày 24-10, ở khu vực hẻm 2, thôn Lệ Sơn Nam, nước vẫn ứ đọng khá nhiều trong vườn nhà dân, một đoạn đường bê-tông lênh láng nước khiến việc đi lại gặp khó khăn. Ông Phạm M. (thôn Lệ Sơn Nam) cho biết, tình trạng ngập cục bộ kéo dài khiến người dân không dọn dẹp được, dễ phát sinh lăng quăng, bọ gậy, ô nhiễm môi trường.

Được biết, từ năm 2016, trong quá trình thi công đường vành đai phía Nam (nối các xã Hòa Phước - Hòa Khương), UBND thành phố yêu cầu Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên giám sát nhà thầu thực hiện các hạng mục cống ngang tại vị trí thôn Lệ Sơn Nam, hạn chế tối đa việc chặn dòng gây ngập úng tại khu vực. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư cống thoát nước đường ĐT 605 qua cống Lô đường sắt đến xứ đồng Rú giáp xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nhằm giảm tải thoát nước, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2018.

Công trình được lắp đặt thấp hơn mặt đường bê-tông nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thoát nước tự nhiên trong khu dân cư. Tuy nhiên, với hiện trạng nhiều vườn dân thấp hơn mặt đường bê-tông hơn 2m như hiện nay, việc thoát nước tại khu vực tổ 2, thôn Lệ Sơn Nam diễn ra khá khó khăn.

Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, việc ngập úng cục bộ tại thôn Lệ Sơn Nam, đặc biệt ở khu vực tổ 2, có thể do lượng mưa thời gian qua có lưu lượng lớn và kéo dài, khu vực vườn dân thấp hơn nhiều so với mặt đường bê-tông và đường sắt hiện trạng xung quanh. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn đất của bà con khu vực tổ 2, thôn Lệ Sơn Nam được phân thành các lô đất nhỏ, mật độ xây dựng lớn dẫn đến lượng nước mưa không có đường chảy ra khu vực cánh đồng Rú như trước đây.

Năm 2019, UBND xã Hòa Tiến đã đề xuất UBND huyện Hòa Vang đầu tư xây dựng tuyến mương thoát nước tại khu vực và khớp nối vào tuyến cống thoát nước tại cống Lô. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát, nhận thấy nhiều khu vực đất tại tổ 2 thấp hơn mặt đường bê-tông giáp ranh đường sắt hơn 2m, phía đông đường bê-tông lại là đất thổ cư thuộc quyền sở hữu của người dân nên không có vị trí thi công mương thoát nước. Theo ông Trúc, trong thời gian đến, nếu các hộ dân có đất giáp ranh với đường bê-tông cạnh đường sắt thống nhất hiến đất và tạo điều kiện thi công, UBND xã sẽ tiếp tục đề xuất UBND huyện Hòa Vang đầu tư tuyến mương phục vụ việc thoát nước cho khu vực này.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.