Xử lý rác thải cồng kềnh

.

Để xử lý rác thải cồng kềnh, nhiều địa phương trên địa bàn quận Sơn Trà tích cực vận động người dân tập kết rác đúng vị trí, thời gian và phối hợp nhịp nhàng với đơn vị thu gom, tránh phát sinh điểm ô nhiễm mới.

Thu gom rác thải cồng kềnh tại tuyến đường Đỗ Anh Hàn, phường Nại Hiên Đông. Ảnh: H.L
Thu gom rác thải cồng kềnh tại tuyến đường Đỗ Anh Hàn, phường Nại Hiên Đông. Ảnh: H.L

Theo quan sát của phóng viên, tại các lô đất trống trên tuyến đường Nguyễn Sáng (phường Mân Thái) có khá nhiều phế thải xây dựng, vật liệu đã qua sử dụng. Rác thải nằm ngổn ngang ngay cạnh trạm xe buýt, xen lẫn trong đám cây dại giữa thời tiết mưa gió khiến khu vực này càng thêm nhếch nhác. Tương tự, tại ngã tư Hà Kỳ Ngộ - Hồ Thấu (phường Phước Mỹ), một số lô đất trống trở thành nơi lý tưởng cho nạn đổ trộm xà bần, giá hạ. Thậm chí, lợi dụng địa thế vắng vẻ, cỏ dại mọc um tùm, một số người dân mang giày dép, quần áo, bàn thờ, ông địa, lư hương, giường chiếu cũ ra vứt.

Ông Trần Ngọc Sơn sinh sống tại khu vực gần ngã tư Hà Kỳ Ngộ - Hồ Thấu cho biết, hằng tuần ông phải đi gom rác, nilon rơi vãi trên vỉa hè, lòng đường vì quá bẩn. Tuy nhiên, đối với rác thải cồng kềnh, quá khổ, dù rất muốn dọn dẹp nhưng ông không thể. “Bãi rác ngày một lớn, bốc mùi gây ô nhiễm ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, khu vực này có khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước lưu trú nên việc để một lượng rác thải tồn đọng, không được thu gom kịp thời là việc cần phải giải quyết dứt điểm. Người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền can thiệp, nhưng nạn đổ trộm xà bần vẫn diễn ra”, ông Sơn nói.

Cũng như nhiều nơi khác trên cả nước, Đà Nẵng chưa có quy định riêng về quản lý, xử lý loại rác cồng kềnh. Đây là loại rác có kích thước lớn, chất liệu đa dạng (gỗ, nhựa, sắt, thép, thạch cao, cao su…) nên khó xử lý, không thể chôn lấp đại trà. Thực tế, người dân trong quá trình đào thải các loại vật dụng sinh hoạt đã qua sử dụng đều lén đem bỏ ở các bãi đất trống hoặc trên những tuyến đường ít nhà dân.

Để giải quyết tình trạng này, UBND quận Sơn Trà đã yêu cầu UBND các phường hướng dẫn người dân thu gom, vận chuyển rác thải rắn cồng kềnh tại đường Mỹ Khê 3 và ngã ba Vân Đồn - Bùi Quốc Hưng vào các ngày cuối tuần. Cụ thể, các phường An Hải Tây, Phước Mỹ, An Hải Đông, An Hải Bắc tập kết rác thải cồng kềnh ở đường Mỹ Khê 3 ngày thứ Bảy; các phường Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang tập trung rác cồng kềnh tại ngã ba Vân Đồn - Bùi Quốc Hưng vào Chủ nhật. Rác ngay khi được tập kết sẽ được Xí nghiệp Môi trường quận Sơn Trà thu gom về bãi rác Khánh Sơn. Với loại rác thải có khối lượng, kích thước lớn, người dân có thể chủ động liên hệ qua số điện thoại (được cung cấp) với nhân viên thu gom rác theo khu vực để được hỗ trợ chuyển đến nơi quy định.

Ông Hồ Tấn Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, từ đầu tháng 6, theo chỉ đạo của UBND quận Sơn Trà, phường Nại Hiên Đông đã phát thông báo đến Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận 19 khu dân cư, tổ trưởng 103 tổ dân phố về thời gian, địa điểm, phương thức thu gom rác cồng kềnh, xà bần, giá hạ. Theo đó, người dân trên địa bàn tự vận chuyển xà bần, giá hạ đến điểm tập kết tại lô đất trống nằm phía bắc trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đường Vân Đồn (phường Thọ Quang) để được thu gom, xử lý không tốn phí. Trong trường hợp cần thuê phương tiện vận chuyển, có thể liên hệ Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phùng Huy, điện thoại 0905.394352.

Đối với rác thải cồng kềnh như bàn ghế, nệm, tủ, am thờ, cành cây, tập kết tại lô đất ngã ba Vân Đồn - Bùi Quốc Hưng (phường Thọ Quang), ông Phước cho hay: “Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà sẽ thu gom vào ngày Chủ nhật hằng tuần. Do đó, người dân cần chủ động mang rác ra đúng vị trí, đúng thời điểm, nghiêm cấm việc tập kết rác cồng kềnh ngoài vỉa hè, các lô đất trống khác trên địa bàn”.

Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý nhóm chất thải xây dựng và rác thải cồng kềnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn do địa phương khó chọn địa điểm tập kết, sợ phát sinh điểm nóng ô nhiễm mới. Ở nhiều khu vực, lượng rác thải cồng kềnh không nhiều, phân tán, nhỏ lẻ nên người dân vẫn lén đem bỏ ở những nơi ít người qua lại. Mặt khác, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác thải cồng kềnh, rác xây dựng thường yêu cầu khối lượng rác lớn, tầm 3-5 tấn mới thu gom, vận chuyển lên bãi rác Khánh Sơn.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tích cực khảo sát, lựa chọn địa điểm tập kết phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Đơn vị thu gom cần triển khai phương thức thu gom phù hợp, bố trí nguồn lực thu gom rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh, bảo đảm không để phát sinh những điểm ô nhiễm mới.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích