Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh về việc một số hồ điều tiết trên địa bàn thành phố thời gian qua xảy ra tình trạng cá chết hoặc bèo tây xâm lấn gây ô nhiễm. Ở nhiều thời điểm, nước hồ chuyển xanh do lượng bùn lắng quá dày…
Tình trạng cá chết thường xuyên xảy ra tại hồ điều tiết phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Ảnh: H.LÊ |
Cách đây không lâu, hồ điều tiết nằm giữa các tuyến đường Nguyễn Phước Tần, Lê Kim Lân, Nguyễn Hàng (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm. Trước tình trạng trên, người dân đã phản ánh với UBND phường Hòa Thọ Đông. Sau khi kiểm tra, UBND phường đã đề xuất Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ phối hợp cùng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải vớt xác cá, phun chế phẩm xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cảnh quan và giảm thiểu mùi hôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng cá chết xảy ra tại nhiều cửa cống thu gom nước thải chảy vào hồ điều tiết phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Các cửa cống này thu gom nước thải từ các khu vực dân cư, Tổng Công ty dệt may Hòa Thọ, Nhà máy dệt Hải Vân và nước thải từ khu vực sân bay Đà Nẵng. UBND quận Cẩm Lệ đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải phối hợp phun chế phẩm xử lý nguồn nước, giảm thiểu mùi hôi, đồng thời tiến hành nạo vét, xử lý ô nhiễm để bảo đảm việc tiêu, thoát nước tại khu vực hồ.
Đặc biệt, quận Cẩm Lệ cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND quận tiến hành kiểm tra việc xả thải từ khu vực sân bay Đà Nẵng và các công ty có nguồn thải thẳng vào hồ điều tiết để có hướng xử lý phù hợp.
Tại quận Liên Chiểu, một số hồ điều tiết cũng có hiện tượng ô nhiễm, bùn lắng sau vài năm vận hành. Đơn cử, tại hồ điều tiết Phước Lý nằm giữa các tuyến đường Lê Hiến Mai, Quách Xân và Bùi Tấn Diên (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đang bị bèo tây phủ kín. Ông Nguyễn Tấn T. sống gần hồ cho biết, bèo tây phát triển rất nhanh nên chỉ sau thời gian ngắn đã phủ kín mặt hồ. Lớp bèo tây dày trở thành nơi lý tưởng cho chuột sinh sôi, rễ bèo dày đặc khiến nguồn nước ô nhiễm, có mùi hôi, thiếu oxy dẫn đến tình trạng cá chết. “Tôi sợ nhất là chuột, kế đến là cá chết, nhếch nhác và mùi hôi không chịu được”, ông T. nói.
Thời gian qua, nước thải, chất thải sinh hoạt, bùn lắng tích tụ lâu ngày cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) ô nhiễm nặng. Trước đó, ngày 10-6, UBND phường Hòa Minh có Tờ trình số 57/TTr-UBND gửi UBND quận Liên Chiểu báo cáo, đề nghị Trạm xử lý nước thải Phú Lộc nạo vét lòng hồ; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực hoàn thành tuyến cống thu gom, không cho nước thải từ các khu dân cư chảy thẳng ra hồ Trung Nghĩa.
Có thể nói, tình trạng ô nhiễm hồ điều tiết xảy ra khá thường xuyên, lặp đi lặp lại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Tháng 3-2020, hồ Bàu Trảng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) được Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tích cực cải tạo bằng cách sục khí, phun hóa chất khử mùi, lắp đặt bổ sung máy bơm và đường ống để đưa nước thải từ trạm bơm về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc với kinh phí hàng tỷ đồng nhưng hiện nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Ông Hà Văn Thành, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là hoàn thành hệ thống thu gom nước thải và nước mưa, không để nguồn thải chảy trực tiếp vào hồ điều tiết. Đồng thời, địa phương, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng các công ty, doanh nghiệp lén xả thải chưa qua xử lý vào lòng hồ.
H.LÊ