Hòa Vang tăng cường giải quyết "điểm nóng" ô nhiễm

.

Để thực hiện thành công “Năm môi trường, trật tự đô thị và cải cách hành chính 2020”, các địa phương tại Hòa Vang kiên quyết xử lý các điểm ô nhiễm, yêu cầu cơ sở kinh doanh đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường.

Cơ sở phế liệu tại kiệt 4, tổ 3, thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang để phế liệu ra khu vực vỉa hè khiến người dân bức xúc. Ảnh: H.L
Cơ sở phế liệu tại kiệt 4, tổ 3, thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang để phế liệu ra khu vực vỉa hè khiến người dân bức xúc. Ảnh: H.L

UBND xã Hòa Khương vừa ban hành Công văn số 64/UBND-ĐCXD gửi Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) huyện Hòa Vang báo cáo hướng xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở phế liệu của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở thôn Phú Sơn 2. UBND xã yêu cầu bà Hạnh không nhập thêm phế liệu mới, chỉ giải quyết số lượng hàng hóa tồn đọng tại cơ sở; không để hàng hóa tại khu vực vỉa hè dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Ngoài ra, để kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở kinh doanh phế liệu này, ngày 2-12, UBND xã Hòa Khương cử cán bộ xuống cơ sở, tiếp tục yêu cầu bà Hạnh thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, tránh phát sinh ô nhiễm mới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 2-2020, trong quá trình kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của cơ sở kinh doanh phế liệu nói trên, UBND huyện Hòa Vang, Đội Cảnh sát kinh tế huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Khương phát hiện mẫu nước thải tại cơ sở phế liệu có TSS (tổng chất rắn lơ lửng) vượt quy chuẩn 1,73 lần, BOD (nhu cầu oxy sinh hóa) vượt quy chuẩn 15,27 lần; COD (nhu cầu oxy hóa học) vượt quy chuẩn 9,5 lần; NH4 vượt quy chuẩn 1,49 lần.

Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, thời gian qua, UBND xã thường xuyên nhận thông tin của ông H.Q.C (trú thôn Phú Sơn 2) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở kinh doanh phế liệu của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Theo ông Hiệp, trước tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan do cơ sở phế liệu này gây ra, UBND xã yêu cầu bà Hạnh đến hết ngày 30-3-2021 phải di dời toàn bộ hàng hóa đi nơi khác.

Để bảo vệ môi trường nông thôn, UBND huyện Hòa Vang cũng siết chặt hoạt động của các trại heo có quy mô lớn trên địa bàn. Đơn cử, ngày 11-12, Phòng TN&MT huyện Hòa Vang có buổi làm việc với ông Ông Văn Thông, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ - cơ sở nuôi heo thịt có quy mô hàng trăm con. Tại buổi làm việc, ông Thông chưa cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực chăn nuôi, không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Bửu, Phó phòng TN&MT huyện Hòa Vang, dẫn đầu đoàn kiểm tra cho biết, tại thời điểm kiểm tra, trại heo của ông Thông đang nuôi 350 con heo thịt tại 3 dãy chuồng trại, trong khuôn viên có mùi hôi, nước thải chăn nuôi không qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường thông qua các hồ sinh thái nằm trong khuôn viên chuồng trại. Tại buổi làm việc, ông Thông cam kết hoạt động chăn nuôi đến hết tháng 3-2021. Ông Bửu cho biết đã yêu cầu doanh nghiệp tư nhân Đồng Nghệ cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động trang trại trước ngày 15-12, đồng thời yêu cầu đơn vị có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thông tin từ Phòng TN&MT huyện Hòa Vang, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã ra quyết định xử lý hành chính hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm, trong đó chủ yếu là cơ sở kinh doanh phế liệu, chuồng trại chăn nuôi, xưởng cơ khí, xưởng gỗ… Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng chiều 14-12, ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng TN&MT huyện Hòa Vang cho biết, để giải quyết hiệu quả các “điểm nóng” môi trường, ngoài tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở kinh doanh, Phòng TN&MT thường xuyên phối hợp với các địa phương xử lý trường hợp vi phạm theo đúng quy định. “Sự hỗ trợ thông tin giữa địa phương, cấp, ngành liên quan giúp công tác kiểm tra, giám sát đạt chất lượng, tạo cơ sở pháp lý yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng quy định, không vi phạm các quy định về môi trường cũng như xâm hại cảnh quan nông thôn”, ông Toại nói.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.