Buôn bán gây ô nhiễm môi trường quanh chợ Phú Lộc

.

Sau khi Báo Đà Nẵng ngày 26-5 đăng bài viết “Kiểm soát chặt chẽ tình trạng cố tình buôn bán bên ngoài chợ”, bạn đọc tiếp tục phản ánh về tình trạng một số cá nhân thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đối diện chợ Phú Lộc, thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để buôn bán. Tình trạng này vừa cản trở giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, đặc biệt không bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống Covid-19.

Nước rửa cá, tôm... được đổ thẳng xuống mặt đường, bốc mùi hôi tanh (ảnh chụp chiều 31-5).  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Nước rửa cá, tôm... được đổ thẳng xuống mặt đường, bốc mùi hôi tanh (ảnh chụp chiều 31-5). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo ghi nhận của phóng viên trong nhiều ngày qua, các hộ buôn bán rau, củ, trái cây, đặc biệt là hải sản tươi (tôm, cá..), thường xuyên chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, lòng đường quanh khu vực chợ Phú Lộc. Trong đó, điểm bát nháo và gây ô nhiễm môi trường nhất diễn ra ở vỉa hè phía trước nhà các hộ dân hai bên ngã tư đường Phan Nhu - Phú Lộc 10. Thời điểm đông đúc, lộn xộn nhất là từ 6-8 giờ và từ 17-18 giờ hằng ngày. Dù bạt được đặt hẳn dưới lòng đường. Người mua dựng xe dưới lòng đường, gây cản trở giao thông. Nước rửa cá, tôm... được đổ thẳng xuống mặt đường lênh láng, bốc mùi hôi tanh.

Trong khi đó, vỉa hè tuyến đường Nguyễn Thị Thập (phường Hòa Minh) - đoạn đối diện chợ Phú Lộc - cũng thường xuyên diễn ra tình trạng một số cá nhân lấn chiếm để bày bán trái cây, rau, củ, đặt dù bạt tràn xuống lòng đường...

Chưa kể, trong thời điểm Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các chợ trên địa bàn Đà Nẵng đều thực hiện giãn cách bằng việc phân chia tần suất đi chợ của các hộ dân, nhưng tại các điểm chợ tự phát này, cảnh người mua bán diễn ra nhốn nháo, không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch.

Theo ông Lê Hữu Ga, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Phú Lộc, điều đáng lo ngại nữa là các hộ buôn bán tự phát các mặt hàng tươi sống như: thịt, cá tươi, hải sản các loại..., nhưng chưa kiểm soát được vấn đề liên quan vệ sinh môi trường cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong khi đó, khu vực bán cá, thịt trong chợ có đầy đủ hệ thống cống, nước vệ sinh sạch sẽ và các mặt hàng này thường xuyên được kiểm tra, có chứng nhận ATVSTP nhưng lại thưa vắng người mua.

“Nhiều người dân ngại vào trong chợ nên dừng xe mua hàng ở vỉa hè. Tiểu thương không bán được hàng, trong khi vẫn phải trả đủ các loại thuế, phí. Chúng tôi sẽ đề xuất UBND quận quan tâm và có hướng hỗ trợ tiểu thương”, ông Ga thông tin và cho biết trách nhiệm quản lý vỉa hè bên phía nhà dân thuộc UBND phường.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo phường Thanh Khê Tây và phường Hòa Minh đều thừa nhận, dù lực lượng chức năng của các phường vẫn thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng một số cá nhân thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhưng khi có lực lượng kiểm tra thì họ lui vào bên trong nhà dân, khi lực lượng vừa đi khỏi thì lại bày hàng ra bán.

Theo ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, để xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán trái phép trên vỉa hè, trước đây, UBND phường đã đề nghị BQL chợ Phú Lộc tạo điều kiện sắp xếp các lô trong chợ cho các trường hợp có nhu cầu vào trong chợ buôn bán. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi vào chợ một thời gian thì bỏ ra ngoài và tiếp tục bày bán ở vỉa hè.

Bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, thời gian qua, UBND quận thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng của quận và của phường Thanh Khê Tây ra quân kiểm tra, xử lý. “Tuy nhiên, địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên không thể trực thường xuyên được. Do đó, khi không có lực lượng thì tình trạng vi phạm vẫn tái diễn. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm, song trước mắt vẫn sẽ tập trung công tác tuyên truyền, nhắc nhở”, bà Vân cho biết thêm.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.