Bảo đảm an toàn khi nuôi chó, mèo

.

Chưa bao giờ chuyện nuôi chó thả rông không đeo rọ mõm lại được dư luận quan tâm nhiều như trong thời gian qua khi xảy ra vụ chó Pitbull tấn công làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng ở huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) vào ngày 20-5 và một người cha phải đưa tay vào giữa hàm răng nhọn hoắc của chó Pitbull để cứu con trai 28 tháng tuổi ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hôm 25-5.

Đặc biệt, mới đây, chị N.T.X, một cán bộ ở huyện Hòa Vang gặp tai nạn thương tâm và qua đời khi tông phải một con chó chạy trên đường sau khi đi làm về. Đây không còn là vấn đề của người nuôi chó mà liên quan đến nhiều người khác, bởi hiện nay đi bất kỳ ngõ hẻm nào cũng gặp chó thả rông không đeo rọ mõm.

Bức xúc về việc nuôi chó thả rông, ông Phạm Công Lương, ở khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết: “Ở khu dân cư tôi cũng có một vài hộ nuôi chó. Trước đây, một số khu vực công cộng có treo bảng cấm và ghi sẽ phạt tiền hẳn hoi nhưng chẳng có ai thực hiện xử phạt. Sau đó, bảng cũng mất mà chó vẫn thả rông phóng uế bừa bãi. Tuy là một việc nhỏ nhưng nếu không làm thì nói gì đến việc lớn”.

Cứ mỗi chiều, đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ ở nhiều khu phố trên địa bàn các quận, huyện, chúng ta rất dễ bắt gặp cảnh chó thả rông không đeo rọ mõm chạy ra từ các ngôi nhà. So với ngày xưa chỉ có chó cỏ, bây giờ có nhiều giống chó săn được nhập từ nước ngoài về nuôi với đặc tính khá hung dữ nên rất nguy hiểm cho người đi đường. Đó là chưa kể, chó còn được chủ dắt ra vỉa hè hoặc công viên đi vệ sinh, gây mất mỹ quan đô thị.

Anh Đoàn Duy Khánh ở đường Lê Thanh Nghị, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cho biết: “Cứ khoảng 17-18 giờ đi làm về, tôi gặp nhiều người thản nhiên dắt chó đi dạo không rọ mõm. Đặc biệt, những con chó becgie và chó Tây Tạng cao to khiến mấy bé nhà tôi sợ khóc thét. Sáng sớm, chủ nuôi chó lại dắt ra vỉa hè hoặc công viên đi vệ sinh ở gốc cây. Theo tôi, cần phải có hình thức xử phạt thật nặng đối với các trường hợp này”.

Còn chị Lê Thị Huyền ở đường Bắc Đẩu, phường Thanh Bình (quận Hải Châu) đề nghị, trước khi quyết định nuôi một con chó, người chủ cần tìm hiểu kỹ về đặc tính của giống chó mình nuôi để có sự hiểu biết nhất định trong chăm sóc và nuôi dưỡng nhằm đề phòng việc cắn người lạ. Bên cạnh đó, người nuôi chó phải có biện pháp nuôi nhốt hoặc đeo rọ mõm, xích lại cẩn thận khi thả ra ngoài đường và thực hiện tiêm phòng để tránh lây bệnh dại cho người thân và những người xung quanh.

Hiện Luật Chăn nuôi 2018 đã có những điều chỉnh về việc chăn nuôi chó, mèo trong từng hộ gia đình và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 yêu cầu chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật thú y. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại thì phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ thú y ở cơ sở. Nếu không thực hiện quy định này, chủ nuôi có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 600.000 đồng - 800.000 đồng (theo điểm a, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP).

Khoản 3 Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay là: Đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường… Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, chủ nuôi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn này sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng- 800.000 đồng.

Cũng theo luật này, trong trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại, chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài một số thông tin tại Luật Chăn nuôi 2018 như nêu trên, chủ nuôi cũng cần lưu ý việc nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã theo quy định tại Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Do đó, đề nghị người nuôi chó cần thực hiện nghiêm luật định để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình và xã hội.

TÂM NHƯ

;
;
.
.
.
.
.