'Tống cựu, nghinh tân'

.

ĐNO - Hôm nay là ngày cuối cùng của năm cũ, một năm đầy đau thương với thế giới. Lịch sử từng xảy ra nhiều trận đại dịch giết đi hàng triệu con người. Tuy nhiên, chưa có thảm họa nào lan rộng và nhanh khắp thế giới như Covid-19.

Chỉ thời gian ngắn, virus tai ác Corona đã biến thể, tung hoành khắp năm châu, bốn biển. Chúng ta cứ ngỡ nguy hiểm đâu xa, nhưng rồi một ngày, bỗng dưng người ta chăng dây trước ngõ. Con virus đã không chừa bất cứ một ai, không “ưu tiên” bất cứ quốc gia nào, từ nghèo đói đến cường quốc. 

Đúng như những gì mà Covid-19 đang thể hiện, nền kinh tế liên kết toàn cầu là mặt trái khiến bệnh dịch lan nhanh hơn. Khả năng đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời gian 20 giờ hoặc ngắn hơn và mang theo virus cùng với hành lý xách tay, đã cho phép bệnh dịch lan tràn và phát triển khi chúng lẽ ra đã có thể bị tiêu diệt trong quá khứ. Covid-19 nhắc nhở ta rằng, bệnh truyền nhiễm không biến mất.

Không chỉ số phận kiếp người quá mong manh, mà dịch bệnh cho thấy thế giới này hết sức  “mong manh dễ vỡ”. Tất cả các quốc gia đều rơi vào những giai đoạn lúng túng, tỷ lệ tử vong cao, cho đến khi vắc-xin được phát minh, phủ rộng. Với tất cả những tiến bộ khoa học mà loại người có được trong việc chống lại bệnh truyền nhiễm, vẫn không cho thấy con người đỡ bị tổn thương hơn trước. Các nhà khoa học cho rằng, những vi sinh vật đã tiến hóa với tốc độ nhanh hơn con người gấp 40 triệu lần.

Thuốc kháng sinh đã cứu mạng hàng trăm triệu người từ khi người ta vô tình khám phá ra penicillin vào năm 1928, nhưng khả năng kháng sinh của các vi khuẩn đang ngày càng tăng lên theo từng năm. Các chủng mới lần lượt xuất hiện, và chưa ai dám chắc chắn về điểm dừng.

Với nền kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng trở nên dễ gãy đổ vì dịch bệnh gây ra. Đặc biệt với các nước nghèo, để gượng dậy sau đại dịch phải mất rất nhiều năm. Những doanh nghiệp vốn là rường cột của nền kinh tế đất nước đều bị tê liệt. Bạn dĩ nhiên có rất nhiều chiến hữu là doanh nghiệp, hẳn cảm nhận rõ những mất mát không gì bù đắp về kinh tế. Mà đâu phải đại gia triệu đô, đến bà bán rau ngoài chợ cũng bị thất thu nghiêm trọng do đại dịch.

Chắc chắn Covid-19 rồi sẽ chấm dứt. Mỗi một thảm họa trôi qua cũng là điều kiện để xây dựng lại một trật tự tốt đẹp hơn, triết lý sống nhân văn, vị tha hơn. Trong cơn đại dịch, chúng ta càng thấm thía tình nghĩa đồng bào. Phải nói rằng từ sau ngày đất nước thống nhất, đây là đợt thử thách lớn khái niệm “đồng bào”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Bởi, bình thường thiên tai,  lũ lụt, bão tố đã bộc lộ sự đùm bọc nhau của người Việt. Nhưng trong dịch bệnh, phẩm chất tương thân, tương ái càng thể hiện hết sức rõ nét và sâu sắc.

Chúng ta luôn chứng kiến sự hy sinh, dấn thân của lực lượng tuyến đầu. Biết bao tấm gương lẫm liệt đã hiện lên từng ngày, trên mọi miền đất nước!

Trong cơn đại dịch, các quốc gia có xu hướng dịch chuyển lại gần nhau hơn. Nước lớn giúp nước nhỏ, thông qua viện trợ tiền bạc, vắc-xin, thiết bị y tế. Những hợp tác, cam kết mang tính toàn cầu vì lợi ích con người đã được thực hiện rất nhiều trong năm qua. Dịch bệnh đã đánh thức rất nhiều năng lực tiềm ẩn của các quốc gia, mỗi cá nhân và toàn cầu. Việt Nam không ngoại lệ.

Covid-19 đã lướt qua nhiều mảnh đời, để lại nỗi đau khôn nguôi. Rồi đây, khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, chắc chắn mọi người sẽ thương yêu nhau hơn. Tình thương là yếu tố cốt tử để xây dựng một thế giới rực rỡ và nhân bản.

THẢO UYÊN

;
;
.
.
.
.
.