Nhận bảo hiểm xã hội một lần thiệt thòi ra sao với chờ nhận lương hưu?

.

Từ “đường dây nóng” của Báo Đà Nẵng, bạn đọc hỏi: Trường hợp lao động xin nghỉ việc, không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nếu nhận BHXH một lần thì thiệt thòi ra sao so với chờ nhận lương hưu?

Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và các quyền lợi khác. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.Ảnh: THANH TÌNH
Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và các quyền lợi khác. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: THANH TÌNH

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Chế độ, BHXH thành phố cho biết: “Khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe - nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh. Đây là thực tế đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân”.

Theo pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần, mức hưởng mỗi năm đóng BHXH bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Hiện tại, đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của người lao động là 5 triệu đồng/tháng thì mức đóng vào quỹ BHXH là 1.250.000 đồng; trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng, người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng.

Khi tham gia BHXH với việc đóng 8% tiền lương hằng tháng, người lao động được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa người lao động nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động đã đóng là 400.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng bằng 95% khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia BHXH qua đời. Như vậy, chính sách BHXH đem lại cho người lao động nhiều lợi ích thiết thực.

Tính đến hết tháng 11-2021, BHXH thành phố đã giải quyết cho hơn 13.700 người hưởng BHXH một lần (tăng 18,11% so với cùng kỳ năm 2020), với số tiền hơn 605.000 triệu đồng (tăng 27,15% so với cùng kỳ năm 2020). Cũng theo BHXH thành phố, do ảnh hưởng Covid-19 nên nhiều người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần để có khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Một số người khác vì lợi ích trước mắt muốn rút BHXH một lần. Thực trạng đó khiến số người lao động nghỉ hưởng BHXH một lần thời gian gần đây tăng nhanh.

Để giảm việc hưởng BHXH một lần, theo BHXH thành phố, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm đời sống người lao động; tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm.

Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác…), qua đó góp phần tăng cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Song song đó, công tác thực hiện chính sách BHXH một lần cần tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện sớm để người lao động tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích