Bạn đọc
Nhận thức đúng vai trò của môn Lịch sử trong trường phổ thông
Hiện nay, vấn đề của môn Lịch sử không chỉ nằm ở việc tranh luận bắt buộc hay không bắt buộc trong chương trình phổ thông. Bản chất của câu chuyện này nằm ở vị trí môn học trong nền giáo dục, vai trò của môn Lịch sử cũng như chúng ta đã dạy và học Lịch sử như thế nào?
Theo tôi, thực tế học Lịch sử hiện nay rất đáng lo ngại. Dù Lịch sử là môn học bắt buộc ở cấp THPT, nhưng khoảng 6 năm tiến hành thi trắc nghiệm, số lượng học sinh chọn môn Lịch sử để xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng 10%; những học sinh lựa chọn các tổ hợp xét tuyển đại học không có môn Lịch sử thường được tạo điều kiện để “qua môn”. Rõ ràng đây là một hình thức của tự chọn dưới dạng bắt buộc. Như vậy, với bản chất học để thi như hiện nay, việc thực hiện tự chọn đã tồn tại trong thực tế dạy học ở trường phổ thông nhiều năm qua.
Phương pháp dạy học gần đây đã có sự đổi mới, nhất là trong tình hình dịch bệnh, khi học sinh chuyển qua học trực tuyến, thầy cô dạy qua bài giảng điện tử, video lịch sử có sự đầu tư. Tuy nhiên, về cơ bản, cách dạy môn Lịch sử vẫn khô khan, cứng nhắc, nặng về ghi nhớ, số liệu và đánh giá chủ quan, áp đặt, một chiều. Thầy đọc - trò chép, ít có sự phản biện, mở rộng và liên hệ. Điều đó vô tình giết chết sự sáng tạo, khả năng tìm tòi, tinh thần hứng thú của học sinh. Hơn nữa, sách giáo khoa Lịch sử ôm đồm nhiều kiến thức, trải rộng về không gian, kéo dài về thời gian, ngoài những kiến thức chủ yếu về lịch sử quân sự, chính trị và lịch sử Đảng, các nội dung khác rất quan trọng của lịch sử loài người và dân tộc gần như không được đề cập.
Năm 2017, Hàn Quốc đã khẩn cấp đưa môn Lịch sử trở lại thành môn bắt buộc sau 12 năm thực hiện tự chọn. Sau Hàn Quốc, Nhật Bản tái khởi động chương trình đưa trở lại môn “Lịch sử Nhật Bản” thành môn bắt buộc vào năm 2019. Bên cạnh đó, giáo dục lịch sử được chú trọng rất mạnh bằng cách kết hợp với các môn liên quan đến chữ viết, văn hóa Nhật hay văn học Nhật. Điều đó cho thấy, ở các nước này có giai đoạn vai trò và vị trí của môn Lịch sử chưa được chú trọng, nhưng cuối cùng được trả về đúng vị trí vốn có của nó, là xu thế tất yếu khách quan, là một bài học có giá trị lý luận, thực tiễn, có giá trị lịch sử.
Có thể nói, Lịch sử là môn khoa học, không chỉ mang giá trị tinh hoa nhân loại, mà chất chứa tình cảm thiêng liêng của người dân với đất nước. Chúng ta phải nhận thức rằng, việc trang bị và đánh thức truyền thống dân tộc chỉ đóng vai trò nhỏ trong rất nhiều vai trò của môn Lịch sử. Một người yêu nước chắc chắn sẽ yêu lịch sử, tự hào về lịch sử và không bao giờ quay lưng với lịch sử. Vì vậy, cần đánh giá đúng vai trò của môn học Lịch sử và đặt đúng vị trí môn học này trong chương trình phổ thông.
LÊ ĐÌNH HIỂN
(Giáo viên Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, thành phố Thanh Hóa)