Để xe lấn chiếm kiệt hẻm, cản trở giao thông

.

Thời gian qua, tại các quận nội thành Đà Nẵng, một số người dân, hộ kinh doanh lấn chiếm kiệt, hẻm làm nơi đậu đỗ xe khiến không gian lưu thông vốn đã nhỏ càng trở nên chật hẹp. Người dân liên tục phản ánh tình trạng này nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Xe máy để thành hai hàng song song tại kiệt 99 Hà Huy Tập (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) làm không gian lưu thông bị thu hẹp. (Ảnh chụp chiều 14-6)  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Xe máy để thành hai hàng song song tại kiệt 99 Hà Huy Tập (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) làm không gian lưu thông bị thu hẹp. (Ảnh chụp chiều 14-6). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường kiệt, hẻm đông dân cư ở các địa bàn phường trung tâm thuộc các quận Hải Châu, Thanh Khê…, không khó để bắt gặp tình trạng lấn chiếm không gian chung của kiệt, hẻm. Trong đó, chủ yếu là đậu xe máy, bày bàn ghế buôn bán, để vật liệu xây dựng… trong kiệt khiến mặt đường kiệt bị thu hẹp, gây khó khăn, cản trở việc đi lại.

Đơn cử, tại kiệt 99 Hà Huy Tập (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) thường xuyên có hai dãy xe máy đậu song song hai bên mặt kiệt khiến không gian lưu thông bị thu hẹp. Một người dân sống tại kiệt 99 Hà Huy Tập cho biết, một ngân hàng có trụ sở cạnh kiệt này cho khách hàng dựng xe máy ở đây.

Tương tự, tình trạng một số hộ kinh doanh tự ý chiếm dụng mặt kiệt cũng xảy ra ở kiệt 15 Lê Hồng Phong (phường Phước Ninh, quận Hải Châu); kiệt 152 Phan Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê); kiệt 154/6 Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê); kiệt 362 Hoàng Diệu (phường Bình Thuận, quận Hải Châu)…

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, lãnh đạo một số phường cho rằng, tình trạng lấn chiếm kiệt, hẻm chung dùng cho mục đích cá nhân tồn tại lâu nay, các địa phương thường xuyên ra quân nhắc nhở nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. “Lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các tuyến đường chính.

Còn trong các kiệt, hẻm thì khi có ý kiến phản ánh của công dân ở khu vực nào, chúng tôi sẽ cử tổ kiểm tra quy tắc đô thị tới kiểm tra, nhắc nhở và đề nghị chấn chỉnh. Như ở kiệt 15 Lê Hồng Phong có đông cơ sở kinh doanh, lưu lượng xe qua lại nhiều nên khi có ý kiến chúng tôi xử lý ngay”, bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, Chủ tịch UBND phường Phước Ninh cho hay.

Đối với ý kiến phản ánh của công dân về tình trạng lấn chiếm tại kiệt 154/6 Trần Cao Vân, UBND phường Tam Thuận đã kiểm tra lập biên bản, yêu cầu bà Hồ Thị T.H. không được lấn chiếm kiệt, hẻm để buôn bán; xe của khách phải sắp xếp gọn gàng, trả lại mặt bằng thông thoáng ở kiệt cho người dân tham gia giao thông. Nếu còn vi phạm, UBND phường sẽ phối hợp với bộ phận chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn tại địa bàn phường Chính Gián, ông Nguyễn Ngự Tuyên, Chủ tịch UBND phường cho biết, sau khi nhận thông tin do phóng viên cung cấp, UBND phường đã cử Tổ kiểm tra quy tắc đô thị tới kiểm tra và lập biên bản đối với các trường hợp để xe lấn chiếm kiệt 99 Hà Huy Tập. “Qua xác minh, đúng là có một cá nhân đứng ra trông giữ xe cho một ngân hàng gần đó. Họ tận dụng kiệt 99 Hà Huy Tập làm nơi để xe máy cho khách. Chúng tôi đã nhắc nhở và yêu cầu không được tái phạm”, ông Tuyên nói.

Theo luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê), tại Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ hành vi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định gồm: Dừng, đỗ xe bên trái đường một chiều; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Nếu vi phạm, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, tại Điều 6: Xử phạt người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô-tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt (trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 2, điểm b khoản 3, Điều 49, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.