Chuyển tiền nhầm số tài khoản, xử lý sao?

.

Phản ánh tới Báo Đà Nẵng, một số người dân băn khoăn về việc: trong quá trình giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng, do sơ ý chuyển nhầm số tài khoản. Nếu rơi vào tình huống đó thì người dùng cần xử lý ra sao để có thể lấy lại tiền?

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền để tránh rắc rối. TRONG ẢNH: Một mẫu lưu thông tin chuyển khoản.Ảnh: ĐẮC MẠNH
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền để tránh rắc rối. TRONG ẢNH: Một mẫu lưu thông tin chuyển khoản. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đơn vị cũng có nhận được một số đơn thư khiếu nại về chuyển tiền nhầm do khách hàng không kiểm tra kỹ thông tin người thụ hưởng. “Chúng tôi đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại và cơ quan công an để giải quyết cho người dân theo đúng quy định của pháp luật”, vị này thông tin.

Về những nguyên nhân chuyển nhầm tiền, theo vị đại diện này cho biết, có thể do khách hàng sơ ý, không kiểm tra kỹ thông tin người thụ hưởng nên chuyển nhầm tiền. Đơn cử, khách hàng nhập sai số tài khoản, số tiền cần chuyển; hoặc nhập họ và tên người thụ hưởng nhưng ứng dụng không hiện số tài khoản mà khách hàng chủ quan không kiểm tra, tiếp tục thực hiện chuyển tiền.

Ngoài ra, có thể do lừa đảo, đối tượng cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng, sau đó chủ động điện thoại xin trả lại số tiền chuyển nhầm và cung cấp tài khoản nhận lại khác với tài khoản người chuyển tiền ban đầu. Sau khi khách hàng chuyển tiền trả lại theo tài khoản được cung cấp, một đối tượng khác tự xưng là chủ tài khoản chuyển tiền nhầm gọi điện đến đòi lại tiền, nếu khách hàng không chuyển trả, chúng đe dọa, bêu xấu trên mạng xã hội...

Về quy trình xử lý chuyển nhầm tiền, vị đại diện này khuyến cáo các bước sau: Bước 1: Khách hàng phải liên hệ ngay với ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tài khoản thụ hưởng. Từ đó yêu cầu ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản chuyển nhầm để xử lý theo quy định.

Bước 2: Cung cấp đầy đủ mọi thông tin phát sinh có liên quan đến quá trình giao dịch như biên lai, số căn cước công dân, số tài khoản người gửi, số tài khoản thụ hưởng...

Bước 3: Phía ngân hàng sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các nghiệp vụ đã phát sinh theo như thông tin mà bạn cung cấp. Nếu đúng, ngân hàng sẽ liên hệ trực tiếp với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản mà bạn đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu họ chuyển hoàn lại số tiền đó. Trường hợp ngân hàng không thể giải quyết giúp người chuyển nhầm lấy lại được số tiền thì người chuyển nhầm có thể tiến hành theo phương án khởi kiện dân sự.

Về thời hạn xử lý, theo vị đại diện này, hiện nay không có quy định riêng về thời hạn xử lý các giao dịch chuyển nhầm tiền. Khi khách hàng chuyển nhầm tiền có đơn đề nghị tra soát, khiếu nại gửi tới ngân hàng thì các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện xử lý tra soát khiếu nại theo quy định tại Khoản 11, Điều 1, Thông tư 02/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

Cụ thể, thời hạn xử lý tra soát khiếu nại: trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách hàng theo một trong các hình thức tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng.

Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của khách hàng và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận về điều khoản và điều kiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Trong trường hợp hết thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại được quy định tại điểm a khoản này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý tra soát, khiếu nại. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Với trường hợp khách hàng sơ ý chuyển nhầm tiền, vị đại diện này khuyến cáo: khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin về họ và tên, số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng và số tiền cần chuyển khi thực hiện chuyển tiền để tránh các trường hợp nhầm lẫn có thể dẫn đến thất thoát tài sản. Trường hợp ứng dụng chuyển tiền không thể hiện đầy đủ các thông tin trên thì cần thoát ra và thực hiện lại hoặc liên hệ với ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn. Khách hàng lưu ý nên nhập số tài khoản thay vì nhập họ và tên người thụ hưởng để tránh sai sót.

Để phòng ngừa các trường hợp lừa đảo, khách hàng không chuyển tiền ngay lập tức mà cần kiểm tra và xác nhận rõ ràng nguồn gốc và mục đích của giao dịch chuyển tiền trước khi thực hiện. Kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến người nhận và số tài khoản trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền. So sánh thông tin với nguồn tin chính thức hoặc thông qua ngân hàng chủ quản để đảm bảo tính xác thực. Nếu nhận được yêu cầu trả lại số tiền như một khoản vay, hãy xem xét cẩn thận trước khi đồng ý. Nếu nghi ngờ hoặc trở thành nạn nhân của lừa đảo chuyển nhầm tiền, giả danh thu hồi nợ, lập tức báo cáo sự việc cho cơ quan chức năng.

Khoản 1, Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó. Nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của bộ luật này.

Nếu chủ tài khoản thụ hưởng đã được ngân hàng thông báo đề nghị trả lại số tiền nhưng vẫn cố ý chiếm giữ trái phép tài sản thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.