Bạn đọc
Tản mạn sắc hoa thành phố
Màu xanh của “hoa lá cỏ cây” luôn là nhu cầu tất yếu của một đô thị văn minh. Càng “công nghiệp hóa”, “đô thị hóa” thì càng phải quan tâm đến những yếu tố làm dịu đi cái rát bỏng của hiệu ứng đô thị, đặc biệt là vào những ngày hè nóng bức của dải đất miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, một thành phố tuy có sự hiện diện màu xanh của cả sông biển, núi rừng, ruộng đồng, được đặc tả rất ấn tượng qua câu hát “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi…” trong bài hát Đà Nẵng tình người của nhạc sĩ Đình Thậm (thơ Ngân Vịnh) nhưng vẫn cần xanh và đẹp hơn nữa. Được “Mẹ thiên nhiên” ban tặng cho màu xanh phong phú như vậy, nhưng ở mảng xanh của đô thị, liên quan đến tác động của yếu tố con người còn những điều mà, nếu chúng ta quan tâm, tâm huyết hơn sẽ làm cho diện mạo đô thị khởi sắc hơn về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Điều muốn nói ở đây là những câu chuyện liên quan đến “sắc hoa thành phố”.
Tại tuyến đường Bạch Đằng (quận Hải Châu), nơi thu hút nhiều du khách ghé qua, những giàn hoa giấy kết thành từng chùm to với đa dạng sắc màu (hồng, đỏ, cam, trắng) tạo nên khung cảnh yên bình, sinh động, tràn đầy sức sống. Ảnh: THU DUYÊN |
Đà thành thời điểm giao mùa, cũng như nhiều nơi khác của dải đất miền Trung, thời tiết đã có nhiều biểu hiện khá rõ rệt của xuân sang hè, nhiệt độ bắt đầu nóng dần lên. Vậy mà, đi trên những con đường Đà Nẵng những ngày này, bỗng thấy dường như mùa xuân vẫn còn vương vấn trên từng góc phố, hàng cây. Đơn giản vì đi đâu cũng có thể thấy những loài hoa khoe sắc. Trong cái nóng đầu hạ, khách bộ hành cảm thấy thật dễ chịu khi sải bước trên những con đường rợp bóng cây, nhất là vào thời điểm bình minh vừa ló rạng, và càng cảm thấy hưng phấn hơn khi trong màu xanh của cây lá được điểm xuyến thêm bởi sắc hoa của những loại hoa trên những hàng cây dọc từng con phố.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều loại cây trên đường phố Đà Nẵng “rủ nhau” khoe sắc vào cùng thời điểm, mà toàn là hoa đẹp. Đầu tiên là cây Giáng hương (mà nhiều người hay gọi là cây Sưa) “mở màn” khoe sắc. Nhiều cây Giáng hương trên một số con đường của Đà Nẵng đồng loạt trổ hoa vàng rất đẹp, tuy chỉ trong vòng 2-3 ngày. Rồi là hoa của cây Osaka (Bò Cạp Đỏ), Bò Cạp Nước (Muồng Hoàng Yến)... cũng nở khắp nơi. Và cũng không thể không nói đến cây Sò Đo Cam (Phượng Hoàng Đỏ)..., với màu vàng cam quý phái và lạ mắt, tạo ra sắc diện tươi mới cho bức tranh phố phường. Đó còn là những cây Bằng lăng rải rác ở một số con đường khoe sắc tím man mát, đẹp dịu dàng và lãng mạn, làm cho đất trời chợt như dịu lại trong những ngày đầu hè chói nắng; là hình ảnh những cây Lim xẹt bên đường bắt đầu nở hoa và mỗi buổi sáng, hoa rụng vàng rực như trải thảm trên hè phố…
Bên cạnh cái thi vị, lãng mạn đó thì đôi chút cũng có chút lăn tăn, chạnh lòng, nuối tiếc kèm theo một câu cảm thán “giá như...”. Đó là “giá như mỗi loại cây được trồng hàng loạt trên một tuyến đường, một con phố”, để đến mùa chúng khoe sắc sẽ đẹp trọn vẹn hơn chứ không đẹp lẻ loi, đơn sắc khi lựa thử vài cây trổ hoa, thậm chí rất “cô đơn” và lạc lõng giữa những “bạn láng giềng” xa lạ đang rụng lá hay nẩy chồi một cách vô tư ở bên cạnh.
Nhìn ra các địa phương bạn, những hàng Phượng vĩ đã tạo nên thương hiệu “Thành phố hoa phượng đỏ” cho Hải Phòng; những hàng hoa bông giấy rực rỡ trên những con đường lớn làm người ta nhớ đến thành phố Vũng Tàu. Gần gũi hơn là những hàng cây Sưa đều tăm tắp, đồng loạt khoe sắc trên những con phố ở thành phố Tam Kỳ, đã tạo cơ hội để người ta biết đến Quảng Nam có một sự kiện “không đụng hàng” là Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa Sưa”…
Quay lại câu chuyện ở Đà Nẵng, những ngày này, không khó bắt gặp hình ảnh hoa Bằng lăng khoe sắc khắp nơi. Không thể dối lòng khi nói rằng, sắc tím của màu hoa Bằng lăng, khiến cho lòng người bâng khuâng, xao xuyến và bồi hồi đến lạ... Sắc tím của Bằng lăng không rực rỡ như Phượng vĩ, nhưng đằm thắm, mà nói như lời một bài hát là “đẹp dịu dàng mà không chói lóa”. Cái dịu dàng, dễ thương của bằng lăng làm dịu hẳn đi cái nóng của những buổi nắng gắt đang bắt đầu hiện hữu ở Đà Nẵng. Thành phố đã có những con đường được trồng nhiều Bằng lăng như đường Phạm Như Xương ở Liên Chiểu, mà có người đã đặt cho cái tên là “Đường Bằng Lăng”, sắc tím tỏa đều dọc con phố, cảm thấy dễ chịu làm sao! Thưa thớt hơn 1 chút là đường Lê Đình Lý, Nguyễn Hoàng, Như Nguyệt… Tuy nhiên, hầu hết Bằng lăng được trồng không mang tính đồng loạt, đồng bộ, lác đác chỗ có chỗ không nên tuy đẹp đấy nhưng là cái “đẹp lẻ loi”, giá như nó bên nhau nhiều hơn thì sẽ có nhiều con phố “tỏa sáng” cùng lúc, “nhan sắc” của Bằng lăng sẽ có cơ hội phô diễn.
Loại hoa phải kể đến nữa là cây Giáng hương. Đây là một loại cây đường phố được trồng nhiều ở Đà Nẵng trong những năm qua. Giáng hương đang vào mùa nở rộ trên nhiều con đường, trông khá đẹp mắt. Mỗi độ hoa Giáng hương khoe sắc đều để lại trong mỗi người một cảm nhận dễ chịu về một loại hoa, mới nghe tên đã thấy đẹp này. Sau giai đoạn “xấu xí” rụng hết lá, chỉ còn trơ cành, mà nếu không nhìn kỹ tưởng là cây đã chết khô thì sau khi đến ngày “hồi xanh”, sum suê trở lại và đặc biệt là cho ra rộ những đợt hoa rất đẹp, có màu vàng nhẹ, e lệ, khép nép mọc thành từng chùm ở nách lá. Cái tên Giáng hương nhắc người ta nhớ đến nàng tiên Giáng Hương trong chuyện xưa Từ Thức. Vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của nàng đã chạm vào cõi lòng của người quân tử, khiến Từ Thức mê mẩn một đời...
Đi trên những con phố của Đà Nẵng, càng ngày cảng cảm nhận rõ nét cái đẹp của cây xanh, của hoa, của lá. Nó làm cho người ta một cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Và giá như…những điều “tản mạn” người viết tâm tư ở trên trở thành hiện thực thì Đà Nẵng sẽ “sáng-xanh- sạch- đẹp” hơn nữa. Hy vọng những chủ nhân tương lai của thành phố bên sông Hàn sẽ thay lớp cha anh “hiện thực hóa” điều đó trong tương lai không xa.
DÂN HÙNG