Bạn đọc
Kỳ vọng của người lao động với mức lương mới
Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở sẽ được tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) đối với 9 nhóm đối tượng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Người lao động kỳ vọng mức lương mới nâng lên lần này sẽ giúp thu nhập được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống.
Cán bộ làm việc tại bộ phận “Một cửa” UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Có hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Vũ Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Hiện nay mức lương mỗi tháng của tôi khoảng 9,8 triệu đồng. Việc tăng lương là điều mong đợi của nhiều người vì sẽ có thêm khoản tiền trang trải cho sinh hoạt. Với mức lương của vợ chồng tôi như hiện nay phải tằn tiện thì mới đủ nuôi 2 con đang độ tuổi đi học và chi trả chi phí sinh hoạt cơ bản. Nếu tăng lên theo bảng lương mới từ 1-7 thì tôi sẽ lên được mức 12 triệu đồng/tháng, đây là khoản thu nhập tốt hơn đối với gia đình tôi trong thời điểm hiện nay”. Nêu ý kiến về việc trả lương theo vị trí việc làm cô Thảo cho rằng, nếu trả lương tính theo vị trí việc làm thì sẽ thuận lợi cho các bạn giáo viên trẻ mới ra trường. Còn với những giáo viên lâu năm thì mức tăng không nhiều. Nếu áp dụng trả lương theo vị trí việc làm mà không tính thâm niên công tác thì sẽ thiệt thòi rất lớn cho những giáo viên đã cống hiến lâu.
Cùng chung suy nghĩ này, chị Nguyễn Thị Phương Nam, cán bộ phụ trách bộ phận hồ sơ “Một cửa”, công chức văn phòng - thống kê, UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho rằng: “Nếu tính theo mức lương như hệ số như hiện nay và giữ nguyên phần phụ cấp và phần khoán chi định biên thì vẫn ổn. Trả lương theo vị trí việc làm cũng có cái hay là có thể đánh giá chất lượng công việc của từng vị trí. Tuy nhiên nếu trả lương theo vị trí làm mà cắt giảm các khoản phụ cấp thì chắc chắn sẽ thiệt thòi cho các cán bộ, công chức lâu năm. Nếu được thì ngoài khoản chi lương, nên duy trì khoản khoán đơn vị hành chính để có nguồn tiết kiệm chi tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, từ đó góp phần đảm bảo cuộc sống”.
Ngoài nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp, dự kiến sẽ được tăng lương khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp), dự kiến từ 1-7, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng thêm 15% trên mức hiện hưởng. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn trợ cấp xã hội nâng lên 500.000 đồng/tháng, tức 38,9%.
Ông Dương Ngọc Tuân, cán bộ hưu trí phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết, theo dõi thông tin về việc tăng lương, ông rất mừng vì nếu theo mức lương mới thì ông sẽ có thêm một khoản tiền để trang trải cho tuổi già, nhất là tiền thuốc men. Tuy nhiên, vấn đề làm sao Nhà nước phải có biện pháp phù hợp để đảm bảo giá cả không tăng từ sau 1-7 thì việc tăng lương và tăng trợ cấp cho các đối tượng được hưởng mới thực sự ý nghĩa.
Ngày 24-6, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tiết, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, việc dự kiến tăng lương và trợ cấp từ ngày 1-7 hiện nay mới có thông tin từ Bộ Nội vụ phát đi qua các kênh truyền thông chứ chưa có văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện. “Khi có văn bản cụ thể thì chúng tôi mới có các căn cứ và triển khai theo quy định”, ông Tiết nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 20-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất từ ngày 1-7 sẽ tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%) cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều chế độ gắn với lương cơ sở dự kiến tăng theo. Cụ thể: Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu hằng tháng thấp nhất của người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện theo quy định bằng lương cơ sở, tăng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng.
Theo Luật Việc làm 2013, nếu tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, trợ cấp thất nghiệp tối đa tăng thành 11,7 triệu đồng. Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con, người nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp một lần trong tháng sinh con hoặc nhận con nuôi. Mức hưởng bằng hai tháng lương cơ sở, tức tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, cha được trợ cấp một lần bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi cháu ra đời. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động 5% - 30% được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể, người suy giảm 5% khả năng lao động hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% sẽ được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Như vậy từ 1-7, số tiền trợ cấp một lần nâng lên 11,7 triệu đồng.
Ngoài ra, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thân nhân sẽ hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Từ 1-7, trợ cấp một lần sẽ là 84,24 triệu đồng.
Tiếp theo, trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần lương cơ sở, tức tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng. Trợ cấp tuất hằng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50% lương cơ sở, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900.000 đồng như hiện nay. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng trợ cấp bằng 70% lương cơ sở, tức hơn 1,63 triệu đồng.
ĐẮC MẠNH