Bạn đọc
Nhiều điểm luyện tập thể dục công cộng xuống cấp, hư hỏng
Do thiếu sự quan tâm bảo trì, sửa chữa nên tại nhiều công viên vườn dạo, nơi luyện tập thể dục, thể thao công cộng trên địa bàn thành phố, cơ sở vật chất bị xuống cấp, gây mất mỹ quan. Các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao bị hư hỏng tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân khi tham gia vui chơi, tập luyện.
Khu công viên công cộng trên đường Trần Quang Khải, sát cạnh nhà văn hóa phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí nền gạch bị bong tróc, đọng nước, hư hỏng nặng. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Thiết bị thể thao ngoài trời hư hỏng
Khu công viên công cộng khu dân cư nhà máy cao su nằm vị trí 4 mặt tiền của tuyến đường Khuê Mỹ Đông 8, 9 10 và 14 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) được đầu tư khá khang trang, rộng rãi với nhiều khu vực vui chơi như: sân cầu lông, sân chơi bi sắt, các lối đi dạo và hơn 2/3 diện tích công viên này được lắp đặt trang thiết bị luyện tập thể thao ngoài trời. Tuy nhiên, qua ghi nhận, các thiết bị luyện tập ở khu vực này hiện nay đang xuống cấp, hỏng hóc. Trong đó, một số thiết bị bị vỡ phần nhựa, thậm chí có thiết bị tập chân đã hư hỏng, rời hẳn phần chân đế, làm lộ các đinh ốc, rất nguy hiểm cho người dân khi tới tập luyện.
Trong khi đó, khu vực công viên công cộng trên đường Trần Quang Khải, ngay sát cạnh nhà văn hóa phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí nền gạch bị bong tróc, đọng nước, hư hỏng nặng; cỏ dại mọc um tùm; rác thải vương vãi khắp nơi; nhiều thiết bị phục vụ luyện tập thể thao có dấu hiệu hư hỏng, lung lay đế chân.
Chung tình trạng như trên, các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ở tiểu công viên trước cửa nhà sinh hoạt cộng đồng Đầm Rong 2 - Ngô Chi Lan (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cũng hư hỏng, xuống cấp; nền gạch nhiều nơi bị bong tróc, đọng nước, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tập. Tại công viên vườn dạo góc đường Nguyễn Súy (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) cũng có nhiều thiết bị tập luyện bị xuống cấp, hư hỏng, gạch nền bong tróc…
Sớm sửa chữa, bảo dưỡng
Đại diện lãnh đạo một số phường đều cho rằng, sau khi nhận bàn giao, qua thời gian sử dụng và hết thời hạn bảo hành thì các thiết bị, dụng cụ luyện tập có dấu hiệu hư hỏng. UBND các phường sẽ tiến hành kiểm tra thực tế và lên kế hoạch, bổ sung kinh phí để sớm sửa chữa, bảo dưỡng.
Đơn cử, đối với khu công viên công cộng khu dân cư nhà máy cao su ở tuyến đường Khuê Mỹ Đông, lãnh đạo phường Khuê Mỹ cho biết: Sau khi có ý kiến phản ánh của công dân, UBND phường tiến hành kiểm tra thực tế, sau đó đã kiến nghị Ban xây dựng cơ bản quận xem xét, xử lý và đang cho sửa chữa.
Thông tin thêm về công trình này, ông Lê Tấn Nghĩa, Trưởng ban xây dựng cơ bản quận Ngũ Hành Sơn cho biết: công trình này ban triển khai thi công và hoàn thành trong tháng 10-2020, sau đó bàn giao cho UBND phường quản lý. Thời gian bảo hành 1 năm nhưng tới nay đã qua năm thứ tư. Do đó, các thiết bị hư hỏng, muốn sửa chữa thì UBND phường phải đề xuất danh mục công trình mới. Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Thọ Quang và phường Hòa Thuận Tây cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên Báo Đà Nẵng, UBND phường đã kiểm tra và sẽ tiến hành sửa chữa ngay trong thời gian tới.
Theo đánh giá chung tại báo cáo giám sát số 05/BC-ĐGS ngày 6-6-2024 của Đoàn giám sát HĐND thành phố đối với chuyên đề “Công tác khai thác, quản lý công viên, vườn dạo tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố” nêu: mạng lưới công viên, vườn dạo tại các quận, huyện được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Một số công viên, vườn dạo ngoài việc đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao của người dân đã kết hợp tổ chức các hoạt động khác, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng tại các khu dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: việc bố trí quy hoạch sử dụng đất cho công viên, vườn dạo tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố chưa đồng bộ, còn manh mún và chủ yếu là bố trí công viên, vườn dạo tại các khu đất khó khai thác thương mại, dịch vụ, đất ở.
Việc đầu tư trang thiết bị vui chơi, luyện tập thể dục thể thao chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều nơi các thiết bị hư hỏng nhưng chưa được quan tâm bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, bảo trì dẫn đến nguy cơ mất an toàn, mất mỹ quan đô thị.
Do đó, Đoàn giám sát HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành có liên quan rà soát các công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố, nếu không phù hợp về vị trí, công năng sử dụng cần xem xét điều chỉnh; rà soát quỹ đất để ưu tiên phát triển công viên, vườn dạo tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Sớm hoàn thành việc tổ chức lập các quy hoạch phân khu, làm cơ sở cho việc hoàn thiện mạng lưới công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố. Ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các hệ thống công viên, vườn dạo, vườn hoa tại khu vực chính, tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Thường xuyên tuyên truyền, phát huy vai trò của nhân dân - đối tượng thụ hưởng giá trị của các công trình công viên, vườn dạo - trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài sản, sử dụng các thiết bị vui chơi, dụng cụ thể dục thể thao đúng mục đích, hiệu quả. Có phương án xử lý dứt điểm tình trạng gia súc thả rông, đặc biệt là tại các công viên, vườn dạo nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, phục vụ người dân.
Theo báo cáo giám sát số 05/BC-ĐGS ngày 6-6-2024 của Đoàn giám sát HĐND thành phố đối với chuyên đề “Công tác khai thác, quản lý công viên, vườn dạo tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố”, hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 258 công trình công viên, vườn dạo với tổng diện tích 4.016.516m2 đã được UBND các quận, huyện tổ chức lập quy hoạch, đã và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Trong đó, 168 công trình đã được đầu tư, 28 công trình đang đầu tư và 62 công trình chưa đầu tư. UBND thành phố đã bố trí nguồn ngân sách lớn để đầu tư các công trình công viên, vườn dạo lớn như: Công viên APEC (tổng đầu tư 759 tỷ đồng), Công viên Thanh niên (tổng đầu tư hơn 50 tỷ đồng), công viên phía trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu (tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng)... Trong giai đoạn từ năm 2021-2024, thành phố đã bố trí tổng số vốn gần 500 tỷ đồng cho gần 70 dự án, công trình công viên, vườn dạo trên địa bàn thành phố. |
ĐẮC MẠNH