Bạn đọc
Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?
Bạo lực học đường đã trở thành vấn đề đáng báo động với xu hướng gia tăng ở một số địa phương trong cả nước. Trong cuộc phỏng vấn với Báo Đà Nẵng, TS. Hoàng Thế Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ những góc nhìn về thực trạng bạo lực học đường và các biện pháp khắc phục hiệu quả.
TS. Hoàng Thế Hải |
* Bạo lực học đường tác động ra sao đối với sự phát triển nhân cách và tâm lý của học sinh, thưa ông?
- Về mặt tâm lý, những học sinh trải qua bạo lực thường xuất hiện triệu chứng như lo lắng, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Về mối quan hệ xã hội, học sinh bị bạo lực thường bị bạn bè xa lánh, không tham gia vào các hoạt động chung, dẫn đến cảm giác cô đơn và thiếu sự chấp nhận. Những em này cũng mất niềm tin vào người khác, gây khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Về học tập, học sinh bị bạo lực học đường có thể khó tập trung trong lớp và gặp khó khăn trong học tập, nhiều em còn ngại tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hay học tập vì sợ bị bắt nạt hoặc chỉ trích... dẫn đến kết quả học tập kém và sa sút bất thường. Về mặt nhân cách, bạo lực học đường ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách. Học sinh bị bắt nạt thường cảm thấy thấp kém, dẫn đến sự tự tin giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng học tập và tham gia vào các hoạt động xã hội.
* Khi một học sinh đã trải qua hoặc chứng kiến bạo lực, biện pháp tâm lý nào có thể giúp các em vượt qua sang chấn và lấy lại sự tự tin?
- Trước tiên, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên viên tâm lý là rất quan trọng. Tư vấn viên có thể giúp học sinh chia sẻ cảm xúc và hiểu rõ hơn về những gì mình đang trải qua, đồng thời cung cấp các chiến lược hữu hiệu để đối phó với sang chấn. Tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc hoạt động nhóm cùng những người có trải nghiệm tương tự cũng có thể mang lại sự an ủi và giúp học sinh cảm thấy không cô đơn. Qua đó, các em có thể học hỏi từ câu chuyện và kinh nghiệm của người khác, tạo nên sự đồng cảm và gắn kết.
Các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga, và các bài tập thở có thể giúp giảm lo âu và căng thẳng, giúp các em lấy lại sự bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc. Tham gia vào chương trình giáo dục về kỹ năng sống cũng là một cách để các em nhận biết và quản lý cảm xúc tốt hơn, đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực.
Hoạt động thể chất và thể thao là một cách hữu hiệu khác giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và nâng cao tâm trạng. Cùng với đó, khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè hoặc giáo viên để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ. Một môi trường an toàn và hỗ trợ có thể giúp trẻ cảm thấy được bảo vệ và tôn trọng. Cuối cùng, việc dạy trẻ cách chăm sóc bản thân như ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và duy trì các thói quen tốt sẽ giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần. Đồng thời, khuyến khích các em ghi nhận và ăn mừng những thành công nhỏ trong cuộc sống hằng ngày là cách để xây dựng sự tự tin và tinh thần tích cực.
* Bản thân học sinh làm gì để tránh bị bắt nạt trong môi trường học đường?
- Học sinh có thể áp dụng công thức 5C để tránh bị bắt nạt trong môi trường học đường. Cảm xúc: nhận diện và quản lý cảm xúc của bản thân (học sinh cần nhận ra khi nào họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi hay buồn bã và tìm cách bình tĩnh lại). Cải thiện kỹ năng giao tiếp: việc giao tiếp tự tin và rõ ràng giúp học sinh thể hiện chính mình và xác định ranh giới với người khác. Chọn bạn bè: xây dựng mối quan hệ với những bạn tốt, tích cực, giúp đỡ lẫn nhau cũng như là lá chắn tốt chống lại hành vi bắt nạt. Chủ động hành động: khi cảm thấy bị bắt nạt hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt, học sinh nên mạnh dạn lên tiếng, yêu cầu kẻ bắt nạt dừng lại, hoặc báo cáo với người lớn có thẩm quyền. Cung cấp hỗ trợ cho người khác: nếu thấy bạn bè bị bắt nạt, hãy giúp đỡ họ. Sự đồng cảm và hỗ trợ từ bạn bè có thể làm giảm tình trạng bắt nạt trong trường học.
* Cha mẹ cần trang bị kỹ năng gì nhằm sớm phát hiện con mình bị bắt nạt?
- Cha mẹ có thể áp dụng mô hình 4T để phát hiện sớm việc con bị bắt nạt: tìm hiểu (thường xuyên hỏi han và lắng nghe cảm xúc của con một cách chân thành, không áp đặt), theo dõi (quan sát kỹ các thay đổi về hành vi, cảm xúc, thể chất và học tập của con; kể cả theo dõi các hành vi sử dụng mạng xã hội), tâm sự (tạo không gian an toàn, thoải mái để con dễ dàng chia sẻ những điều khó nói), tương tác với giáo viên (liên lạc thường xuyên với giáo viên để nắm bắt tình hình ở trường và có biện pháp phối hợp xử lý).
Học sinh Trường THCS Trần Quang Khải (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bị đánh hội đồng đến chấn động não. (Ảnh cắt từ clip) |
* Khi phát hiện con mình là nạn nhân của bạo lực học đường, cha mẹ nên ứng xử như thế nào?
- Trước tiên, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và lắng nghe con chia sẻ về những gì đã xảy ra. Hãy tỏ ra thấu hiểu và tạo cảm giác an toàn để trẻ có thể bày tỏ một cách cởi mở. Sau đó, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ thêm về tình huống để hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của sự việc. Việc trò chuyện thêm với giáo viên hoặc bạn bè của con cũng là cách để thu thập thêm thông tin. Hãy bảo đảm trẻ hiểu mình không cô đơn và luôn có cha mẹ ủng hộ; động viên trẻ rằng vấn đề có thể giải quyết được và việc chia sẻ là bước đầu tiên để tìm ra giải pháp. Đồng thời, cha mẹ cần giúp trẻ lấy lại sự tự tin và tinh thần tích cực.
Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con cách đối phó với tình huống bắt nạt. Tiếp theo, cha mẹ cần gặp gỡ và thảo luận với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu, hoặc chuyên viên tâm lý học đường để cùng bàn bạc và đưa ra các biện pháp can thiệp. Hãy luôn duy trì mối quan hệ giao tiếp cởi mở để con có thể chia sẻ ngay nếu vấn đề tiếp tục xảy ra. Nếu con có dấu hiệu tổn thương tâm lý nghiêm trọng như lo lắng, trầm cảm hoặc sợ đi học, cha mẹ có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này; hoặc con có những vấn đề về tổn thương thể chất cần theo dõi và điều trị kịp thời.
* Hệ thống tư vấn tâm lý trong các trường học hiện nay cần cải thiện điều gì để nâng cao vai trò trong phòng ngừa bạo lực học đường?
- Hệ thống tư vấn tâm lý trong các trường học hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bạo lực học đường thông qua các hoạt động như sàng lọc, phòng ngừa, can thiệp và kết nối. Tuy nhiên, cần phát triển và áp dụng các phương pháp sàng lọc toàn diện và định kỳ hơn, không chỉ để phát hiện sớm mà còn theo dõi liên tục tình hình tâm lý của học sinh. Song song, để đạt hiệu quả cao hơn, các chương trình phòng ngừa (giáo dục kỹ năng sống, cảm xúc và giải quyết xung đột…) cần đa dạng và phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của học sinh; đồng thời khuyến khích sự tham gia của cả gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, việc can thiệp, cung cấp hỗ trợ tâm lý, tư vấn cần có quy trình rõ ràng và hiệu quả, bao gồm sự hợp tác chặt chẽ với giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia bên ngoài khi cần thiết. Cuối cùng, để tư vấn viên phát huy vai trò là cầu nối giữa học sinh, gia đình và nhà trường, việc thiết lập các kênh thông tin hiệu quả giữa nhà trường và gia đình là rất quan trọng, cùng với việc tổ chức các buổi họp định kỳ để thảo luận về tình hình học sinh.
Tóm lại, để hệ thống tư vấn tâm lý phát huy hiệu quả tối đa trong việc phòng ngừa bạo lực học đường, cần có sự đầu tư và cải thiện liên tục ở tất cả các khía cạnh nêu trên. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ cho học sinh, từ đó góp phần giảm thiểu bạo lực trong trường học.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
YÊN CHI thực hiện