Bạn đọc

Bao giờ nước mắm Nam Ô được công nhận làng nghề?

08:12, 02/01/2025 (GMT+7)

Nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là một trong ba chỉ dẫn địa lý nước mắm của Việt Nam, song đến nay vẫn chưa được công nhận làng nghề. Đây là trăn trở của nhiều cơ sở sản xuất nước mắm tại khu vực này.

Quận Liên Chiểu đang chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện các thủ tục để đề nghị công nhận làng nghề truyền thống. TRONG ẢNH: Sản phẩm nước mắm Nam Ô được giới thiệu quảng bá tại một hội chợ.Ảnh: VĂN HOÀNG
Quận Liên Chiểu đang chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp hoàn thiện các thủ tục để đề nghị công nhận làng nghề truyền thống. TRONG ẢNH: Sản phẩm nước mắm Nam Ô được giới thiệu quảng bá tại một hội chợ. Ảnh: VĂN HOÀNG

Là người con làng Nam Ô, anh Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương luôn tâm huyết với việc bảo tồn và phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống của cha ông. Đây từng là loại nước mắm “tiến vua”, là niềm tự hào và gắn liền với văn hóa, đời sống ngư nghiệp của người Nam Ô, tuy nhiên nghề này vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không có sự quan tâm, quản lý hơn nữa của chính quyền địa phương và sự nỗ lực bảo vệ của người dân.

Anh Phú chia sẻ, có giai đoạn nghề làm nước mắm là một trong những nghề bị cấm không được hoạt động trong khu dân cư khiến nhiều người dân phải chuyển đổi ngành nghề, tạm dừng sản xuất. Khi được cấp phép trở lại, giá trị kinh tế của nghề lại không cao, chưa kể phải đối mặt với sự cạnh tranh từ thị trường nước mắm công nghiệp, giá rẻ và thiếu hụt tầng lớp kế thừa… khiến nghề sản xuất nước mắm truyền thống càng gặp khó khăn.

Theo anh Phú, Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô chỉ có 69 hộ dân tham gia, song thực tế tại khu vực này có khoảng 300 hộ làm những nghề, hoạt động liên quan đến sản xuất nước mắm. Việc căn cứ vào số lượng hội viên để công nhận làng nghề không còn phù hợp với việc phát triển sản xuất, thương mại và bảo tồn hiện nay.

“Tôi cùng người dân làm nước mắm ở đây mong muốn thành phố có quyết định công nhận làng nghề để hoàn thiện các cơ sở pháp lý, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Đồng thời hình thành không gian công cộng để trưng bày, bảo tồn và giới thiệu các giá trị truyền thống của làng nghề; tập hợp sản phẩm OCOP toàn thành phố. Đây cũng là điểm vui chơi, giải trí, giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên hiểu thêm về nghề sản xuất nước mắm truyền thống của Nam Ô”, anh Phú đề xuất.

Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô Trần Ngọc Vinh cho biết, năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2974/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghề nước mắm Nam Ô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tháng 6-2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô, thành phố Đà Nẵng.

Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng trong số 139 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam và là chỉ dẫn địa lý thứ ba cho sản phẩm nước mắm (sau nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết). Đây là niềm tự hào, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống, uy tín và chất lượng của nước mắm Nam Ô. Hội làng nghề hiện có 69 hội viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng...

Để sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nước mắm truyền thống Nam Ô, các hội viên phải hoàn thành những thủ tục pháp lý, bảo đảm chất lượng, nguồn nguyên liệu, nhãn mác, mẫu mã… đưa sản phẩm ra thị trường. “Hội làng nghề chỉ là một tổ chức với nhóm người sản xuất. Điều này không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của nước mắm truyền thống Nam Ô. Chúng tôi mong muốn thành phố sớm ban hành quyết định công nhận làng nghề để phát huy giá trị truyền thống văn hóa, tạo cơ sở, tiền đề bảo tồn và phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Vinh chia sẻ.

Theo UBND quận Liên Chiểu, Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-4-2018 về phát triển ngành nghề nông thôn quy định rõ 3 tiêu chí cần đạt để được công nhận làng nghề. Cụ thể, có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Việc chưa được công nhận làng nghề do nhiều yếu tố liên quan đến cơ sở hạ tầng, quy mô sản xuất, số lượng hộ tham gia...

Ông Trần Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, trên cơ sở nhu cầu phát triển nước mắm Nam Ô trong thời gian tới, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, cơ quan liên quan khẩn trương phối hợp với Hội làng nghề và UBND phường Hòa Hiệp Nam thực hiện các thủ tục cần thiết để đề nghị công nhận làng nghề truyền thống. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2025, quận sẽ hoàn thành thủ tục trình các cấp thẩm quyền công nhận làng nghề.

Hiện UBND quận đã phê duyệt công nhận 5 sản phẩm nước mắm Nam Ô được sử dụng chỉ dẫn địa lý Nam Ô, đây là bước tiến quan trọng để phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống. Thời gian tới, quận chỉ đạo các phòng chức năng và UBND phường cùng với hội làng nghề phối hợp tuyên truyền, vận động người dân duy trì, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng nước mắm theo quy định. Đồng thời, đẩy nhanh việc đầu tư khu trưng bày, trình diễn nước mắm nhằm giới thiệu cho người dân và du khách về các quy trình sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô, qua đó lưu giữ giá trị truyền thống làng nghề, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nước mắm cho người dân.

VĂN HOÀNG

.