Bạn đọc
Tăng cường hiệu quả hoạt động các đội bắt và xử lý chó, mèo thả rông
Qua đường dây nóng Báo Đà Nẵng, bạn đọc phản ánh tình trạng chó, mèo thả rông vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn thành phố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, du khách. Đồng thời, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Từ thực tế này, địa phương cần có thêm giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của các đội bắt và xử lý chó, mèo thả rông.
![]() |
Tổ bắt, xử lý chó thả rông phường Thanh Khê Tây ra quân xử lý vi phạm. Ảnh: VIỆT ÂN |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ghi nhận thực tế tại một số khu dân cư trên địa bàn phường Mân Thái (quận Sơn Trà), tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Không chỉ vậy, nhiều con chó chạy rông trên đường có kích thước lớn, bản tính hung dữ nhưng không được rọ mõm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
Chị H.T.H, người dân trong khu vực bày tỏ sự lo lắng khi chứng kiến cảnh chó thả rông thường xuyên chạy trên vỉa hè, lòng đường mà không có sự kiểm soát của chủ nuôi. Theo chị, dù chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền về trách nhiệm của người nuôi chó, mèo, thậm chí đã thành lập đội bắt chó nhưng lực lượng này hoạt động chưa hiệu quả. “Nhiều con chó được thả tự do cả ngày, không ai biết chúng đã tiêm phòng dại hay chưa. Chúng tôi thì lo sợ, né tránh khi đi qua những con chó dữ, nhưng chủ nuôi vẫn tỏ ra thờ ơ”, chị H. chia sẻ.
Tương tự, ông N.V.P (phường Mân Thái) cho rằng chó được thả rông, phóng uế bừa bãi khiến không gian công cộng trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Nguyên nhân chính xuất phát từ thói quen tùy tiện của nhiều chủ nuôi khi thả rông chó, mèo mà không kiểm soát, cộng tâm lý chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc dọn dẹp chất thải của vật nuôi.
Theo ông P., chính quyền địa phương cần có biện pháp quyết liệt hơn, không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở mà phải tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng đối với những trường hợp vi phạm. “Nếu chỉ tập trung tuyên truyền mà không đi kèm chế tài xử phạt nghiêm thì tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn”, ông P. nói.
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Đại diện một đội bắt chó, mèo thả rông tại quận Sơn Trà cho rằng, hoạt động của lực lượng này chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, các thành viên trong đội đều kiêm nhiệm; việc tập huấn, trang bị dụng cụ hỗ trợ còn hạn chế, chưa được quan tâm thường xuyên. Bên cạnh đó, sau khi bị bắt, chó, mèo sẽ được đưa về UBND phường tạm giữ trong 24 giờ trước khi tập kết đến địa điểm quy định. Công tác bố trí địa điểm tạm giữ, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho công dân đến UBND phường làm việc cũng chưa được đầu tư và chú trọng một cách bài bản.
“Để lực lượng hoạt động hiệu quả, cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện hỗ trợ để bảo đảm an toàn cho các thành viên. Hơn hết, cần có chế độ hỗ trợ bảo hiểm cho lực lượng khi triển khai nhiệm vụ để bảo đảm quyền lợi, nâng cao trách nhiệm công việc”, người này đề xuất.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà, hiện trên địa bàn quận có 2.682 hộ nuôi chó, mèo với tổng số 3.153 con. Thời gian qua, UBND quận chỉ đạo UBND các phường tổ chức tuyên truyền đến người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh cũng như biện pháp phòng chống như tiêm phòng, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Năm 2024, quận tập trung tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường trong khu dân cư với tần suất 2 ngày/phường, đồng thời tuyên truyền trên trang thông tin điện tử quận, phường, loa phóng thanh…
Ngoài ra, UBND các phường cũng gửi thông báo đến chủ vật nuôi những quy định liên quan đến hoạt động nuôi chó, mèo. Tuy vậy, đa phần người dân không chủ động thực hiện việc khai báo vật nuôi theo quy định. Năm qua, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi đạt 90,9%. UBND quận Sơn Trà chưa tiếp nhận thông tin về trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn, cào đi tiêm phòng bệnh dại hoặc huyết thanh kháng dại. Các phường trên địa bàn đã thành lập Đội bắt chó thả rông, tổ chức tuần tra, bắt và xử lý các trường hợp vi phạm.
Trước tình trạng chó, mèo thả rông trên địa bàn quận Liên Chiểu, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu cho biết, UBND quận đã chỉ đạo các phường thành lập tổ bắt chó thả rông, động vật mắc bệnh dại. Lực lượng này có nhiệm vụ triển khai những biện pháp quản lý việc nuôi chó; phát hiện chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng và ngăn chặn nguy cơ chó dữ tấn công người.
Các thành viên trong tổ được tiêm vắc-xin phòng dại và trang bị vợt, chuồng, lồng, rọ mõm, đồ bảo hộ để thực hiện nhiệm vụ. Quận cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định về quản lý nuôi chó, mèo, nhận diện đặc điểm và tính chất nguy hiểm của bệnh và tiêm phòng vắc-xin dại cho động vật nuôi.
Thời gian tới, UBND quận tiếp tục chỉ đạo các phường tăng cường hoạt động của đội chuyên trách bắt chó thả rông và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm. “Trong tháng 3-2025, quận sẽ đẩy mạnh công tác ra quân xử lý động vật nuôi thả rông, trong đó có chó, mèo và bò. Đồng thời, tập trung xử lý tình trạng vi phạm quy định cấm chăn nuôi trong khu vực Liên Chiểu theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 của HĐND thành phố quy định khu vực nội thành, khu dân cư không được phép chăn nuôi và quy định vùng nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
VIỆT ÂN