.

Để cây xanh đô thị phát triển bền vững

.

Vai trò của cây xanh trong đô thị vô cùng quan trọng. Biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, cộng với nhiều nguồn ô nhiễm (nguồn nước, rác thải, khói bụi, tiếng ồn…) gây ra cho con người những bất lợi về sức khỏe, đặc biệt là về yếu tố tinh thần. Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống chung quanh ta, ngoài các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm thì việc sử dụng cây xanh, tạo cảnh quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Điều cần quan tâm đầu tiên trong phát triển cây xanh đô thị là “tính bền vững”. Trồng cây xanh không chỉ nghĩ đến tăng diện tích xanh mà còn tính đến vai trò quan trọng của nó trong kiến trúc và trang trí cảnh quan. Du nhập hay nghiên cứu cây xanh cho đô thị cần lưu ý đến những tính chất của cây xanh như hình dáng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, tình trạng mùa của lá…) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chung. Ngoài chức năng trang trí, tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ, cây xanh đô thị còn có tác dụng kiểm soát giao thông.

Đối với Đà Nẵng, cây xanh đô thị  luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Trong những năm qua, thành phố cử một số đoàn công tác ra nước ngoài tìm hiểu, tham quan học hỏi về quản lý đô thị, trong đó có quản lý cây xanh.  Mới đây nhất, sau chuyến công tác tại Singapore và Trung Quốc, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo thành lập một đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm trồng hoa, cây xanh ở một số địa phương của hai quốc gia này. Học hỏi cái hay của bạn, nhất là ở những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu tương đồng với Đà Nẵng là một việc cần làm.

Tuy việc du nhập cây xanh vào thành phố là cần thiết, nhưng không nên nóng vội trồng ồ ạt một loại cây nào đó mà cần phải được trồng thử nghiệm để từ đó chọn những cây thích hợp để nhân rộng. Bên cạnh đó, vấn đề phân bổ cây trong khu vực cũng cần bảo đảm không những về số lượng cây trồng mà còn tạo thuận lợi cho các hoạt động xã hội của con người như trồng trong khu du lịch, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện hay khu dân cư. Diện tích cây xanh ở từng khu vực cần có tỷ lệ thích hợp với mật độ dân số và đáp ứng được nhiệm vụ ở đó. Mỗi khu vực có quy hoạch cây xanh riêng nhưng phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh, mỹ quan, chỗ nghỉ ngơi của người dân.

Chất lượng chung của quy hoạch cây xanh đô thị tùy thuộc vào sự bố trí và kỹ thuật chọn giống cây. Bố trí cây trong đô thị có thể xem là một nghệ thuật, cần nghiên cứu tạo cảnh quan trong toàn khu vực để đô thị đáp ứng được mỹ quan. Chẳng hạn như hai bên đường phố có những hàng cây tạo nên những vòm lá che nắng cho người đi đường, có nơi lại trồng thưa để lọt từng vệt nắng xuống mặt đường; nơi trồng từng cây riêng rẽ, nơi lại trồng thành khóm vài cây; nơi chỉ cần trồng cây thấp; nơi lại trồng toàn cây cao hay xen kẽ cây cao cây thấp; nơi cây trồng có hoa đẹp, nơi chỉ có cây xanh cao tạo bóng mát…

Vấn đề chọn giống cây trồng đô thị cũng cần được quan tâm. Nó đòi hỏi các nhà chuyên môn phải có kiến thức về những giống cây khỏe, khó bị gãy bất thường, nhất là đối với Đà Nẵng thường có gió bão, cây xanh hay gãy đổ, vì vậy phải chọn loại cây phải khó đổ, bộ rễ ăn sâu. Vấn đề thiết kế cây xanh đô thị cần được nghiên cứu, bố trí hợp lý, khoa học, tránh chắp vá, sửa đổi gây trở ngại cho quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, cần đưa công tác quản lý cây xanh bằng những công nghệ tiên tiến, chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc, cắt tỉa cây xanh…

Phát triển cây xanh đô thị ở Đà Nẵng đã đến lúc nâng lên một tầm mức mới để phù hợp với sự phát triển của đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là khi Đà Nẵng đang phấn đấu để trở thành “Thành phố môi trường”. Học hỏi, nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cao trong trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh đô thị sẽ là tiền đề quan trọng để cây xanh đô thị ở Đà Nẵng phát triển một cách bền vững.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.