.

Nhận diện những vụ lừa đảo “tín dụng đen”

.

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt vụ lừa đảo trên thị trường “tín dụng đen” đã lộ diện, khi tình trạng lạm phát, lãi suất huy động vốn và cho vay của các ngân hàng tăng cao... Mặc dù đã được cảnh báo từ lâu, nhưng tại sao các vụ lừa đảo vẫn diễn ra một cách dễ dàng, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng? Trả lời câu hỏi này không khó, nhưng vấn đề cơ bản là làm sao ngăn chặn được tình trạng này trong thời gian tới!Xé giấy biên nhận để xóa nợ?

Theo đơn trình bày và yêu cầu Công an thành phố khởi tố vụ án hình sự về lừa đảo, bà Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1962, ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, cho biết: Từ chỗ bạn bè thân quen là M.T. giới thiệu, bà Hường làm quen với bà Lê Thị T.T. Qua một thời gian quen nhau, bà Hường đã cho bà T. mượn 750 triệu đồng để đáo hạn một ngôi nhà tại đường Triệu Nữ Vương. Ngay sau đó, bà T. đã trả tiền cho bà Hường và tiếp đó là một vụ “giúp đỡ” bằng việc đứng ra mua giúp hai chiếc ô-tô thế chấp tại hai ngân hàng trị giá 600 triệu đồng.

Hoạt động minh bạch và sôi động của hệ thống ngân hàng sẽ góp phần “giải cứu” tình trạng “tín dụng đen”.

Sự quen biết và “uy tín” đó đã đưa hai bên đến việc lập một hợp đồng vào ngày 8-12-2006 do ông Nguyễn Quyền (chồng bà Hường) ký với bà T.; trong đó có cho bà T. mượn số tiền là 3,333 tỷ đồng. Cùng ngày, bà T. có mượn tiếp của bà Hường và bà L. (cạnh nhà bà Hường và ủy thác cho bà Hường chịu trách nhiệm) tổng cộng 1,2 tỷ đồng, với lãi suất là 5% mỗi tháng. Sau đó,  ngày 15-12-2006 và ngày 11-2-2007, bà T. tiếp tục mượn của bà Hường 2 lần với số tiền tổng cộng 2,25 tỷ đồng. Như vậy, theo trình bày của bà Hường, qua 4 lần, bà T. đã mượn của bà Hường tổng cộng 3,45 tỷ đồng; cộng với số tiền từ hợp đồng do ông Nguyễn Quyền đứng tên, số tiền này đã lên đến  6,783 tỷ đồng!

Cũng theo đơn tố cáo của bà Hường, bà T. vẫn không chịu trả tiền mặc dù đã quá thời hạn trả. Đến ngày 21-6-2007, bà T. hẹn vợ chồng bà Hường đến nhà và yêu cầu bà Hường mang theo hợp đồng vay tiền để trả nợ. Khi vợ chồng bà Hường đưa bản hợp đồng (gốc) ký ngày 8-12-2006 ra để thanh lý, thì bà T. đã ngang nhiên xé hủy và tuyên bố “Tao không trả tiền, chứng từ đâu mà đòi, thách vợ chồng bà báo công an!”. Theo trình bày của bà Hường, do trước đó đã nghi vấn bà T. nên bà Hường đã photocopy và công chứng lại bản hợp đồng cho mượn tiền này.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, cũng như nhận thấy tính chất phức tạp của vụ việc này, gia đình ông Nguyễn Quyền-Nguyễn Thị Hường đã làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT), Công an thành phố Đà Nẵng vào ngày 16-10-2007; sau đó gửi đến các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương. Theo Cơ quan CSĐT Công an thành phố, vụ việc này đã được chuyển đến Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an thành phố từ tháng 10-2007.

Tuy nhiên, đến nay, vụ việc đã diễn ra tròn một năm nhưng vẫn chưa có những động thái tích cực nào từ phía cơ quan chức năng để xác định có thực sự diễn ra việc xé giấy hợp đồng để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 6,7 tỷ đồng như tố cáo hay không; hoặc nếu vụ việc diễn ra đúng như tố cáo thì vụ lừa đảo đó đã có dấu hiệu “chìm xuồng”?

Đây là những vấn đề mà dư luận đặt ra, cần có sự giải đáp một cách chính thống từ các cơ quan chức năng, mà cụ thể là từ Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an thành phố!

“Giải mã” dấu hiệu bất ổn của “tín dụng đen”

Tại sao thời gian vừa qua, việc xuất hiện tình trạng vay tiền theo hình thức “tín dụng đen” lại diễn biến phức tạp như vậy?

Trước tiên, đó là do tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao và nhất là việc mức lãi suất huy động vốn của các ngân hàng liên tục tăng, có lúc vượt qua mức lãi suất cho vay theo thỏa thuận ngầm trên thị trường “tín dụng đen”. Cộng vào đó, là sự bất ổn của thị trường vàng, đô-la, bất động sản... kéo theo sự bất ổn về mặt tâm lý đối với những người cho vay trên thị trường “tín dụng đen”.

Chỉ cần một thông tin “nhạy cảm” là sẽ bùng phát những “đám cháy”; có thể chỉ diễn ra trong nội bộ hoặc dư luận, cũng có thể được đưa đến cơ quan chức năng bằng hàng loạt đơn tố cáo. Vụ việc xảy ra đối với Công ty TNHH Ngọc Bội là một ví dụ. Sau một thời gian huy động vốn và tạo uy tín để làm ăn trên thị trường ô-tô, tân dược... bà Mỹ Ngọc, Giám đốc công ty này đã tiếp tục vay vốn của các cá nhân để đổ vào thị trường bất động sản.

Sau khi số nợ này tăng cao, chỉ cần bà Mỹ Ngọc đi Mỹ để hợp tác làm ăn và chữa bệnh, là thông tin về việc chủ nợ “bỏ trốn”  được tung ra, kéo theo những phản ứng dây chuyền trong giới “tín dụng đen”. Sau đó, hàng loạt các vụ việc khác vỡ lở với một “kịch bản” tương tự. Như thông tin về giám đốc công ty T.D. trốn ra nước ngoài với số nợ lên đến... 900 tỷ đồng; chủ nhà hàng H.L. ở Hòa Vang bỏ trốn với số nợ hơn 8 tỷ đồng...
 
Hoặc vụ việc xảy ra ở Gia Lai, với tổng số tiền lừa đảo mà người bị hại tố cáo đến cơ quan công an là hơn 130 tỷ đồng và 230 lượng vàng, liên quan trực tiếp đến Mai Quý Th. (sinh năm 1970) trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng)... Nhiều vụ việc tương tự đã được các cơ quan chức năng thụ lý và tiến hành điều tra, làm rõ.

Điều dư luận đang quan tâm, là tại sao những giao dịch liên quan đến hàng tỷ đồng lại dễ dàng diễn ra như vậy trong thị trường “tín dụng đen”, mà đến khi sự việc bị vỡ lở thì cơ quan chức năng khó xác định được mức thiệt hại do các bên liên quan đưa ra? Đó là do hầu hết các vụ việc diễn ra với một thỏa thuận ngầm giữa các bên, mà chiêu thức đầu tiên được tung ra là sự góp vốn (hoặc cho vay) đều được chia lời lãi và trả vốn đúng thời hạn để tạo uy tín.

Chỉ cần qua vài lần giao dịch như vậy, với mức lãi suất hấp dẫn, là những chủ nợ sẵn sàng cho đối tác vay với số tiền lớn; đôi khi chứng từ vay mượn chỉ đơn giản là những tờ giấy viết tay nguệch ngoạc hoặc những lời hứa “suông”. Lãi suất cao được “cộng dồn” vào sau mỗi lần đáo hạn không thể hiện một cách rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Những chứng cứ trong giao dịch “mờ” này gây nên khó khăn nhất định cho việc điều tra, xác định thiệt hại của cơ quan chức năng nên đẩy vụ việc ngày càng phức tạp và khó xử lý dứt điểm khi người bị hại tố cáo. 

Bên cạnh đó, các bị hại cũng không dám công bố những vấn đề khuất tất với cơ quan chức năng, nhất là lãi suất cho vay theo thỏa thuận; vì mức lãi suất này không được pháp luật thừa nhận. Vì thế, những vụ lừa đảo đã dễ dàng diễn ra, ngày một trắng trợn hơn. Mà vụ việc giữa vợ chồng ông Nguyễn Quyền-Nguyễn Thị Hường với bà T. là một ví dụ. 

Như vậy, việc “giải mã” những vụ lừa đảo trên thị trường huy động vốn “ngầm” không khó. Không gì khác hơn chính là món lời quá lớn từ việc chia chác lời lãi trong góp vốn kinh doanh, từ lãi suất huy động cao... đã làm “lóa mắt” những “con thiêu thân”. Vấn đề là, nhiều vụ việc như vậy đã diễn ra từ lâu, đã bị “lật tẩy” và xử lý trước pháp luật, thế nhưng vẫn tiếp tục diễn ra.
 
Để xảy ra tình trạng này, một phần lỗi lớn thuộc về những người tham gia thị trường “ngầm”; nhưng phần khác, đó là do những cơ chế và ràng buộc chưa thực sự chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như những “đánh động”, tuyên truyền rộng rãi của các cơ quan chức năng để nâng cao ý thức cảnh giác đối với người dân trước tình hình này. Đã đến lúc, cần có sự phân tích, nghiên cứu và đánh giá đúng đắn, đầy đủ về thị trường “tín dụng đen”, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.