Chính trị - Xã hội
GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG NGÔ QUYỀN - NGŨ HÀNH SƠN
Bao giờ mới hết rối?
10:12, 09/04/2008 (GMT+7)
Trục đường Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn là tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất của quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Không những thế, đây là con đường chính nối Đà Nẵng với phố cổ Hội An. Đặc biệt, đây còn là đoạn đường cuối ra cảng Tiên Sa của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây giàu tiềm năng.
Biển báo giao thông chỉ con trơ lại cọc. |
Chính vì có một vị trí quan trọng về giao thông, nên tuyến đường này được thành phố đầu tư rất lớn để không những là tuyến đường đẹp, hiện đại, mà còn bảo đảm lượng người và hàng hóa lưu thông qua đây. Tổng chiều dài của đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn là 8 km, rộng 48 mét, được bố trí thành đường hai chiều, giữa có dải phân cách. Ngoài ra, còn có 2 đường gom rộng 5,5 mét. Thế nhưng năm 2003, khi đưa vào sử dụng, ngay lập tức con đường này bộc lộ nhiều khiếm khuyết, dẫn đến việc tổ chức giao thông luôn gặp khó khăn.
Theo thiết kế và tổ chức giao thông của tuyến đường này, cùng chiều với làn đường chính thì có đường gom với chiều dài tương đương. Tuy nhiên, do giữa hai làn đường chính có quá ít điểm phân cách, giữa làn đường chính và đường gom có ít điểm được mở ra để từ bên này đường qua bên kia đường và ngược lại, nên việc lưu thông trên đường luôn gặp khó khăn vì phải đi quá xa. Ví dụ từ đường Vũ Văn Dũng muốn qua đường Lê Hữu Trác, nếu theo đường “chim bay” thì chỉ khoảng 50 mét. Tuy nhiên, do có dải phân cách nên buộc phải đi tới bùng binh ngã Năm đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi rồi quay ngược lại với tổng chiều dài khoảng 4km mới qua được.
Tương tự, từ đầu cầu Trần Thị Lý đi qua đường Nguyễn Văn Thoại cũng với khoảng cách 50 mét, nhưng phải tốn quãng đường khá xa mới qua được. Chính vì sự bất tiện này mà thay vì đi theo chiều quy định, nhiều người lại chọn cách đi ngắn hơn là đi vào đường ngược chiều một đoạn vài chục mét để sang bên kia đường. Dĩ nhiên cách đi này là không đúng luật, nên lực lượng CSGT phải xử phạt, thế nhưng phần lớn người dân đều chọn cách đi này nên xử phạt không xuể. Và cuối cùng, CSGT phải chấp nhận... làm ngơ. Suốt một thời gian dài, sự bất cập này cứ diễn ra, đến nỗi từ cơ quan chức năng đến người tham gia giao thông mặc nhiên xem tuyến đường gom là đường hai chiều, thậm chí khi đi qua đường thì “được phép” đi ngược chiều vào làn đường chính.
Với cách lưu thông rối bời như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT, nên cuối năm 2007 vừa qua, Sở Giao thông-Công chính thành phố đã tiến hành giai đoạn 1 việc tổ chức lại giao thông trên trục đường này, với nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng. Kết quả là một số điểm trên đường phân cách giữa hai làn đường chính và một số điểm giữa đường chính và đường gom cũng được mở ra.
Sau khi kết thúc việc mở dải phân cách này, từ ngày 10 đến 20-3, lực lượng CSGT thành phố, quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn cùng lực lượng Thanh niên xung kích, Thanh niên tình nguyện và Công an phường đồng loạt ra quân hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân hiểu chủ trương của thành phố là từ ngày 21-3, các tuyến đường gom chỉ được đi một chiều và tuyệt đối không đi ngược chiều vào làn đường chính để qua đường. Song song với việc làm này, Sở Giao thông-Công chính cũng tiến hành lắp đặt các biển hiệu giao thông hướng dẫn người dân đi đúng làn đường quy định.
Người đi đường "vô tư" đi ngược chiều trên đường Ngô Quyền. |
Thế nhưng đến sáng ngày 21-3, thời điểm xử phạt những trường hợp đi ngược chiều vào đường gom có hiệu lực thì lại vắng bóng lực lượng CSGT. Mọi người cứ thế đi trái chiều vào đường gom và chạy ngược chiều vào làn đường chính như trước đây. Ngạc nhiên hơn, các biển báo hiệu giao thông vừa lắp đặt trên tuyến đường này cũng bị gỡ hết xuống từ bao giờ, chỉ còn trơ lại cọc sắt (!?).
Về vấn đề này, qua tìm hiểu tại đơn vị chức năng, chúng tôi được giải thích khá chung chung: thời điểm xử phạt là chưa chín muồi, có khá nhiều người dân chưa nắm được thông tin nên việc kiểm tra xử phạt là không thể. Hiện nay, Sở Giao thông-Công chính đang nghiên cứu để đề xuất phương án giải quyết, trên tinh thần lấy ý kiến rộng rãi các ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, khi trao đổi với những người dân sống dọc hai bên tuyến đường này, họ lại cho rằng: việc thành phố cho mở một số dải phân cách là đúng, nhưng vẫn còn quá ít điểm. Ví dụ, trường hợp người dân ở bên kia đường, đối diện với cổng Trung tâm Y tế Sơn Trà, nếu muốn đến Trung tâm Y tế này, phải đi vòng đến bùng binh ngã Năm rồi vòng ngược lại với đoạn đường khoảng 3 km thật bất tiện.
Không thể không ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc tổ chức giao thông để tuyến đường này tốt hơn. Tuy nhiên, qua đây đã bộc lộ nhiều hạn chế từ khâu thiết kế, tổ chức giao thông đến công tác tuyên truyền, dẫn đến giao thông trên tuyến đường này rối vẫn hoàn rối. Hy vọng chính quyền và ngành chức năng sẽ có những phương án hữu hiệu hơn để bảo đảm giao thông thuận lợi và an toàn trên tuyến đường này cho người dân ở đây.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN