Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật (VPPL) nói chung và tình trạng VPPL trong lứa tuổi thanh-thiếu niên (TTN) nói riêng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, cơ cấu tội phạm và tính chất hành vi phạm tội ở lứa tuổi này ngày càng nghiêm trọng.
Giáo dục về pháp luật cho thanh-thiếu niên “hư” tại trại tạm giam Hòa Sơn, Đà Nẵng. |
Một bộ phận giới trẻ sống buông thả, đua đòi
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Công an phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) nhớ mãi vụ án cướp giật tài sản điển hình mà Lê Văn Long (16 tuổi) và Lê Thanh Dũng (18 tuổi, cùng trú tổ 51, phường Xuân Hà) thực hiện hồi đầu năm nay.
Đêm 2-1-2014, Long điều khiển xe máy BKS 43K7-5367 chở Dũng chạy trên đường Kỳ Đồng thì phát hiện một phụ nữ điều khiển xe Wave đi cùng chiều đeo túi xách trên vai. Nghĩ trong túi xách có tài sản, Long áp sát xe máy để Dũng ngồi sau giật túi xách rồi bỏ chạy. Bị truy đuổi, Long điều khiển xe chạy vào kiệt 569 Trần Cao Vân nhưng ngã nhào và bị người dân bắt giữ giao cho cơ quan Công an. “Đây là hai đối tượng cướp giật tuy còn nhỏ tuổi nhưng hành vi táo bạo và chuyên nghiệp. Riêng Long là kẻ “đầu têu” trong nhiều vụ cướp giật tài sản. Dù đã bị bắt nhiều lần khi cướp giật tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhưng do tuổi còn nhỏ và không xác định được người bị hại nên sau đó Long được tha. Vì vậy, Long càng sa vào ngõ cụt”, Trung tá Nguyễn Văn Hùng nói.
Thiếu úy Nguyễn Công Nhật Anh, Cảnh sát khu vực (CSKV) Tân Chánh (phường Xuân Hà), vốn rất trăn trở trong việc giúp đỡ, cảm hóa TTN “hư” tại địa bàn khu dân cư cho rằng, ngày nay đang có hiện tượng một bộ phận giới trẻ có lối sống buông thả, đua đòi ăn chơi. “Nhiều TTN không xác định được mục đích sống đúng đắn, thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn đến phạm pháp, tình trạng tội phạm “trẻ hóa” gây nhiều bức xúc trong xã hội”, Thiếu úy Nhật Anh cho hay.
Đơn cử, vụ án giết người tại nhà nghỉ X.X. (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngày 2-11-2013 gây rúng động dư luận. Chỉ vì chút mâu thuẫn tình cảm mà Phan Minh Tuấn (28 tuổi, trú quận Sơn Trà) đã dùng búa đập vào đầu chị Hoàng Thị G.T (22 tuổi) khiến chị T. tử vong tại chỗ. Ngày 18-4-2014, tại nhà trọ H.M. (đường Nguyễn Tất Thành) cũng xảy ra vụ giết người, nguyên nhân được xác định do mâu thuẫn tình cảm nên Lê Ngọc Tú (21 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) dùng dao đâm chị Nguyễn Thị H.T. (21 tuổi, trú Đắc Lắc - là người yêu của Tú), làm chị T. tử vong…
Hàng loạt vụ án vừa qua thực sự là tiếng chuông báo động cho phụ huynh, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phòng chống tội phạm ở lứa tuổi TTN.
Theo thống kê tại địa bàn phường Xuân Hà, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 vụ phạm pháp hình sự; Công an phường lập hồ sơ xử lý cảnh cáo 3 đối tượng tuổi TTN; 15 đối tượng sử dụng ma túy; ngoài ra lập hồ sơ xử lý 50 đối tượng (chủ yếu là TTN) vi phạm an ninh trật tự… Kiểm tra hành chính tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn, phát hiện 20 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có 17 đối tượng dưới 22 tuổi…
Nguyên nhân
Theo nhiều nhà nghiên cứu về tội phạm, nguyên nhân phát sinh tội phạm lứa tuổi TTN chủ yếu xuất phát từ điều kiện gia đình như: cha mẹ không gương mẫu trong lối sống, sống không lành mạnh, có hành vi sai lệch đạo đức, vi phạm pháp luật hoặc phạm tội; thiếu sự quan tâm và thiếu trách nhiệm với con cái. Nhiều trường hợp khi đối tượng được mời lên công an phường thử test ma túy thì gia đình ngỡ ngàng vì trước đó vẫn tưởng con mình ngoan. Một số cha mẹ nuông chiều, bao che con cái dẫn đến hành vi sai trái của các em.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân, điều kiện từ phía nhà trường, như tính kỷ luật học đường chưa nghiêm; thầy cô giáo và nhà trường ngoài các biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, đuổi học... thì không được phép răn đe các học sinh hư bằng các hình phạt khác. Đặc biệt là những nguyên nhân, điều kiện từ bản thân người vi phạm: lười biếng, có lối sống trụy lạc, thích hưởng thụ mà gia đình lại không có điều kiện; một số khác yếu kém về nhận thức xã hội, ít hiểu biết về pháp luật...
Trung tá Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để TTN khi trưởng thành trở thành người tốt, có ích cho xã hội, sự quan tâm và giáo dục của gia đình là yếu tố hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cũng như toàn xã hội nên quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục nhân cách sống, các kỹ năng sống, các chuẩn mực đạo đức xã hội cho các em, qua đó sẽ hạn chế và đẩy lùi tình trạng phạm tội trong TTN.
Theo thống kê của Công an thành phố, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 59 vụ/81 người ở tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật. Về tính chất vi phạm, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng: 16 vụ/26 đối tượng; trộm cắp, cướp giật tài sản: 29 vụ/39 đối tượng; tổ chức sử dụng ma túy: 9 vụ/9 đối tượng; vi phạm khác: 5 vụ/7 đối tượng. Về lứa tuổi vi phạm, dưới 14 tuổi: 8/81 đối tượng (chiếm 9,8%); từ 14 đến dưới 16 tuổi: 26/81 đối tượng (32%) và còn lại từ 16 đến dưới 18 tuổi: 47/81 đối tượng (58,2%). Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn quận Thanh Khê xảy ra 32 vụ phạm pháp hình sự, 1 người chết, tài sản thiệt hại 400 triệu đồng; bắt 11 vụ/16 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Công an quận cũng đã lập biên bản xử lý 13 trường hợp các đối tượng chưa thành niên có hành vi: gây rối, trộm cắp, sử dụng ma túy… |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH