.
Ký sự Pháp đình

Lựa chọn sai lầm

.

Thua lỗ là điều không thể tránh khỏi trong kinh doanh. Khi rơi vào tình cảnh này, có không ít người cố khắc phục tình trạng bế tắc bằng việc làm sai trái: lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Lựa chọn sai lầm của họ đã đẩy bản thân vào ngõ cụt nơi chốn lao tù.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, Nguyễn Hữu Dương (SN 1952, ngụ quận Hải Châu) quyết định thành lập Công ty TNHH Thái Việt khi bước sang tuổi 51. Năm 2005, sau 2 năm hoạt động, Công ty Thái Việt được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế theo hồ sơ đề nghị của Dương.

Vào cuối năm 2010 đến tháng 8-2012, Công ty Thái Việt do Dương làm giám đốc kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng và các khoản vay khác. Lợi dụng công ty mình đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành quốc tế, Dương sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối, lừa 8 khách hàng ký hợp đồng đi tham quan nước ngoài để chiếm đoạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND của một địa phương cũng “sập bẫy” khi ký với Dương hợp đồng đưa đoàn đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động tại Trung Quốc. Ngoài ra, Dương còn có hành vi lừa dối 2 người khác để vay tiền và mua đất tái định cư, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 404 triệu đồng. Ngày 26-8-2012, Dương bỏ trốn sang Mỹ làm bồi bàn và bị bắt giữ 2 năm sau đó.

Trong khi đó, Lê Trung Hiếu (SN 1976, quê thành phố Hồ Chí Minh), là nhân viên thị trường của Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội - chi nhánh Đà Nẵng (trụ sở tại quận Thanh Khê). Tháng 3-2012, Hiếu thiếu nợ nhưng không có tiền trả nên đã thuê ô-tô của ông Đỗ Sỹ Dũng đem đi cầm lấy 130 triệu đồng.

Tháng 7-2012, để có tiền chuộc chiếc xe nói trên, Hiếu lại đem cầm ô-tô mà công ty giao cho Hiếu quản lý và sử dụng từ tháng 8-2010 để chở hàng đi giao cho khách. Sau đó, Hiếu tiếp tục thuê xe của ông Trịnh Đình Du rồi đi cầm, lấy 150 triệu đồng chuộc lại ô-tô của công ty. Chiếc xe của ông Du lại được Hiếu lấy tiền cầm xe của ông Dũng để chuộc ra.

Cứ thế, Hiếu đem 3 ô-tô trên cầm xoay vòng ở tiệm cầm đồ. Đến tháng 9-2012, Hiếu không còn khả năng thanh toán nợ nên đem cầm cả ba chiếc xe trên, ôm tiền rồi bỏ trốn vào thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 12-2012, Hiếu ra đầu thú.

2. Xuất thân, nghề nghiệp, độ tuổi… khác nhau nhưng cả Dương lẫn Hiếu đều cùng chung lựa chọn sai lầm để đối mặt với nợ nần bủa vây. Thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Hiếu lí nhí biện minh nguyên nhân dẫn đến quyết định sai trái: “Gia đình bị cáo đều ở thành phố Hồ Chí Minh. Bị cáo mong muốn có điều kiện kinh tế ổn định để có thể giúp đỡ gia đình nên quyết chí đi làm ăn xa. Nhưng tiền lương nhận được chỉ đủ chi trả cuộc sống hằng ngày. Sau khi đắn đo, suy tính, bị cáo quyết định mượn hàng của các đại lý cấp 1 rồi bán lại với hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, một số nơi bị cáo giao hàng lại nợ tiền, không chịu trả. Bị cáo không có tiền thanh toán lại cho các đại lý đã mua hàng, trễ hẹn nhiều lần nên mới…”.

Cúi đầu, Hiếu hối hận: “Gia đình bị cáo hầu hết đều theo nghề giáo, nay bị cáo lại sa chân vào con đường tù tội, bị cáo hổ thẹn lắm. Vì sai lầm của mình mà bị cáo đánh mất danh dự của bản thân, của gia đình…”.

Còn Dương giãi bày trước tòa: “Bị cáo vỡ nợ vào năm 2011. Kinh doanh thua lỗ, ba mẹ lại bị ốm đau cần tiền chữa trị, cùng đường, bị cáo mới vay của ngân hàng, vay nặng lãi của một số đối tượng xã hội đen. Lãi mẹ đẻ lãi con, bị cáo không có khả năng khắc phục, bế tắc quá nên làm bậy…”.

Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi: “Nãy giờ các bị hại thắc mắc, bị cáo có nghe rõ không? Nếu nghe rõ thì trả lời cho họ số tiền 2 tỷ đồng bị cáo tiêu vào việc gì mà hết?”. Dương đáp: “Tiền thâm hụt lúc trước, rồi một phần trả lãi, một phần chi tiêu, một phần trả lãi vay ngoài. Số tiền 2 tỷ đồng tuy lớn nhưng cứ rơi rớt dần. Bị cáo vay từ hồi năm 2005, một năm phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. Chưa kể khoản vay ở ngoài có lãi suất cắt cổ…”.

Vị chủ tọa chất vấn: “Biết lãi cắt cổ sao bị cáo vẫn tiếp tục vay?”. Dương thở dài: “Không vay thì bị cáo không có tiền để tiếp tục kinh doanh. Không kinh doanh, không làm việc thì không có tiền để trả nợ…”. Lời nói cuối cùng, Dương nghẹn ngào: “Bị cáo biết việc làm của mình sai trái, lương tâm cũng không cho phép. Bị cáo hối hận lắm. Bị cáo đã khiến gia đình tan nát, mất nhà cửa, danh dự, con cái phải đi xa, ở nhà thuê kiếm sống, trả nợ cho cha…”.

3. Các bị hại trong cả hai vụ án đều xin HĐXX giảm nhẹ mức hình phạt cho Dương và Hiếu, chỉ mong nhận lại số tiền bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, hai bị cáo vẫn phải đối mặt với tháng ngày lao tù để nhìn nhận lại lỗi lầm của bản thân. Theo đó, TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm tuyên phạt Dương 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn Hiếu lãnh 11 năm tù cho hai tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Giá như Dương và Hiếu biết dừng lại đúng lúc hoặc lựa chọn khác khi kinh doanh thua lỗ thì đã không rơi vào vòng lao lý như hôm nay. Đây cũng là bài học quý giá cho những ai đang theo đuổi  nghề kinh doanh.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.