Pháp luật
Mức đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2018: Tuyên truyền để người lao động hiểu đúng
Từ ngày 1-1-2018, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được điều chỉnh. Theo đó, các khoản thu nhập phải đóng BHXH là lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng, người lao động phải đóng BHXH trên tổng thu nhập của mình từ ngày 1-1-2018. Thông tin trên không chính xác.
Liên đoàn Lao động thành phố tăng cường tổ chức tuyên truyền bảo hiểm xã hội cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. |
Ông Cù Đình Thi, Phó ban Chính sách – Pháp luật kiêm Giám đốc Văn phòng tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố, cho biết: “Việc hiểu nhầm như vậy là do người lao động chưa nắm kỹ các nghị định có liên quan, kéo theo đó là đánh đồng các khái niệm với nhau”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 - Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Khoản 1 và khoản 2 Điều 17 - Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ cũng quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản tiền để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
Về các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các khoản bổ sung được xác định là mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Như vậy, luật và các văn bản liên quan quy định rất rõ về các khoản thu nhập đóng BHXH, cụ thể về mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung. Điều quan trọng là người lao động cần tìm hiểu kỹ và hiểu đúng các khái niệm.
Để làm rõ hơn vấn đề, ông Cù Đình Thi cũng cho biết, tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam, điểm 2.3 Điều 6 quy định có 14 khoản thu nhập không tính đóng BHXH từ năm 2018 bao gồm: tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác (ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP).
“Quy định của luật là rất rõ ràng. Vì thế, thông tin cho rằng phải đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập là không đúng. Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động có sự hiểu biết đúng đắn về BHXH cũng như những quy định sẽ được áp dụng từ đầu năm 2018”, ông Cù Đình Thi chia sẻ.
Được biết, thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã tăng cường tổ chức các lớp truyền thông về pháp luật cho người lao động, trong đó, đặc biệt tuyên truyền Luật BHXH, điển hình như tại Công đoàn cơ sở Trường Dũng sĩ Thanh Khê, Công đoàn Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, Công ty TNHH Daeryang Việt Nam, Công đoàn Công ty TNHH MTV The Blues... Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã phối hợp tổ chức đối thoại, tư vấn pháp luật cho công nhân lao động tại 10 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; trong đó, rất nhiều vấn đề xoay quanh BHXH đã được người lao động đặt ra. “BHXH là một trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại, văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ người lao động khi gặp các vướng mắc trong vấn đề BHXH cũng như mọi phát sinh trong quan hệ lao động”, ông Cù Đình Thi khẳng định.
Bài và ảnh: PHAN HÀ