Đề xuất quy định mới bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang

.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngày 9-10-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2009/NĐ-CP về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang. Qua gần 9 năm thi hành, Nghị định số 03/2009/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã phát huy được vai trò trong việc đưa công tác phục vụ chuyên cơ đi vào nền nếp, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho các chuyến bay chuyên cơ, đáp ứng được yêu cầu về nghi thức đón, tiễn tại sân bay, phục vụ hiệu quả công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài.

Tuy nhiên, Nghị định số 03/2009/NĐ-CP cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần được sửa đổi như: Nghị định số 03/2009/NĐ-CP ban hành trong bối cảnh các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không dân dụng vẫn do Nhà nước làm chủ sở hữu (nắm giữ 100% vốn điều lệ) do vậy nội dung nghị định được xây dựng trên quan điểm các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ là nghĩa vụ với chủ sở hữu. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành hàng không đã có hình thức sở hữu đa dạng (hầu hết là công ty cổ phần) nên cần có các quy định phù hợp hơn theo hướng các hãng hàng không nhận đặt hàng cung ứng dịch vụ chuyên cơ từ các cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 20-6-2017, Quốc hội đã ban hành Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH17 trong đó có điểm d khoản 1 Điều 11 quy định: “1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ sau đây: Khi đi công tác bằng ô-tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình, khảo sát để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ”.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc sử dụng cụm từ “chuyên khoang hoặc chuyên cơ” có sự khác biệt với khái niệm trong Luật Hàng không dân dụng về chuyến bay chuyên cơ; cần phải có quy định cụ thể đối tượng được sử dụng “chuyên cơ”, “chuyên khoang” trong các biện pháp, chế độ cảnh vệ. Do vậy các quy định chuyên ngành hàng không cũng cần được điều chỉnh phù hợp theo pháp luật về công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng được cảnh vệ bằng cách xác định rõ khái niệm của “chuyên cơ” và “chuyên khoang”.

Theo thống kê, số lượng chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và nước ngoài hoạt động ngày càng tăng, một số vấn đề phát sinh trong quá trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang cần được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để bảo đảm an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện, bao gồm: Khó khăn trong công việc tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy trình chuyên cơ trong trường hợp thông báo chuyến bay chuyên cơ muộn hơn thời gian quy định hoặc thay đổi kế hoạch vào giờ chót; đặc biệt là việc áp dụng tiêu chuẩn, quy trình áp dụng trong trường hợp đối tượng được phục vụ chuyên cơ (nước ngoài) đi chuyến bay thương mại của hãng hàng không nước ngoài hoặc Việt Nam; chưa có quy định cụ thể về đối tượng chuyên chở trên các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay đến, đi Việt Nam được áp dụng tiêu chuẩn, quy trình bảo đảm chuyên cơ.

Bên cạnh đó, chưa quy định trách nhiệm phục vụ chuyến bay chuyên cơ nước ngoài đối với doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; một số quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng, thống nhất.

Chưa có quy định cụ thể của pháp luật về đặt hàng, giao kế hoạch, thanh toán chi phí chuyên cơ đối với các chuyến bay chuyên cơ theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các chuyến bay chuyên cơ do Bộ Quốc phòng thực hiện. Quy định chưa cụ thể về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước trong việc triển khai thông báo chuyến bay chuyên cơ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện công tác triển khai phục vụ, đặc biệt khó khăn trong các trường hợp:

Triển khai cho Chi nhánh hãng hàng không Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài gửi hồ sơ xin phép bay, triển khai chuyến bay chuyên cơ thông báo muộn hơn thời gian quy định và triển khai thay đổi kế hoạch bay vào giờ chót theo hệ thống thông tin hàng không hiện nay.

Do vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, để phù hợp với thực tiễn công tác bảo đảm chuyến bay, chuyên cơ, chuyên khoang đồng thời khắc phục các vướng mắc còn tồn tại nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 03/2009/NĐ-CP của Chính phủ là cần thiết.

Chinhphu.vn

;
;
.
.
.
.
.