Mỗi năm, thành phố xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bi kịch, mất người thân, để lại nỗi đau dai dẳng, khôn nguôi.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THÀNH LÂN |
Nhìn hình ảnh người mẹ già hơn 70 tuổi của nạn nhân Đ.V. H. ở kiệt 10/10 Pasteur, tổ 28 phường Hải Châu 1, quận Hải Châu run run đi lên cầu thang thắp nhang cho con mà nhiều người không cầm nổi nước mắt. Nạn nhân H. là lao động chính trong gia đình nhưng không may tử vong trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 19-5 tại khu vực gần nhà. Ở một gia đình khác, người cha già ngơ ngác ra vào trong căn nhà nghi ngút khói hương. Con trai ông - nạn nhân P.N.L. (18 tuổi), ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, mất vào cuối tháng 10 vừa qua. L. ra đi khi còn quá trẻ, phía trước là cả một tương lai rộng mở…
Dù giữ được tính mạng nhưng những người bị thương tật do tai nạn giao thông cũng khổ sở không kém. Đó là trường hợp của ông L.M., trú tại thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, bị tai nạn giao thông vào ngày 15-9. Vốn là lao động chính hiện đang nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học nhưng tai nạn khiến ông M. bị liệt hai chân không đi lại được.
Có lẽ không gì có thể diễn tả hết nỗi đau đớn của những người có người thân đột ngột mất đi trong các vụ tai nạn giao thông. Đơn cử như trường hợp anh T.Q.N. sinh năm 1989 ở thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, mất ngày 17-7. Anh N. mất đi để lại 2 con nhỏ chưa đến 10 tuổi, trong khi đó vợ cũng bỏ nhà ra đi sau khi tai nạn xảy ra, khiến 2 con nhỏ phải nương nhờ ông bà nội đã cao tuổi.
Nhìn chiếc bàn thờ khiêm tốn đặt giữa nhà, ông Mười (cha anh N.) lặng lẽ thắp lên một nén nhang rồi quay lại ôm đứa cháu nội mới 7 tuổi, nước mắt rơm rớm, rồi chậm rãi kể: “Hôm đó thằng N. chạy xe máy ra đồng phun thuốc trừ sâu về giữa đường thì xảy ra va chạm với một người đi đường. Chiếc xe ngã xuống khiến nó bị thương nặng rồi ra đi”. Ông Mười đau ốm triền miên, không có thu nhập để chăm nuôi 2 cháu nên cuộc sống hiện rất khó khăn.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng vẫn đang diễn ra hằng ngày và làm nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Để giảm thiểu hơn nữa các vụ tai nạn giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Lê Văn Trung cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng của thành phố đã thực hiện nhiều kế hoạch mang tính đồng bộ để bảo đảm an toàn giao thông. Cụ thể, phối hợp và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông, Luật Giao thông; nâng cao chất lượng đầu tư kết cấu hạ tầng, khắc phục những điểm đen trên các tuyến giao thông. Đặc biệt, gần đây Ban An toàn giao thông phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, văn hóa tham gia giao thông cho học sinh từ tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Ngoài ra, còn phối hợp với các tổ dân phố, chính quyền xã, phường tuyên truyền lồng ghép giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc tham gia giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, tại Việt Nam mỗi năm, tai nạn giao thông làm tổn thất 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mỗi ngày thiệt hại tới 300 tỷ đồng. Mặc dù tai nạn giao thông liên tục giảm qua các năm nhưng số người chết vẫn còn ở mức cao. Cứ mỗi ngày trôi qua, tai nạn giao thông lại cướp đi sinh mạng hơn 20 người và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế.
Trong những năm tới, để giảm thiểu tai nạn giao thông, cần hoàn thiện các hệ thống quy phạm pháp luật, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, mỗi người dân phải tự ý thức chấp hành Luật Giao thông để vừa bảo vệ bản thân vừa mang lại sự an toàn cho gia đình và xã hội.
THÀNH LÂN - TRẦN VĂN LỊCH