Quy định về sử dụng pháo hoa: Nắm rõ, hiểu đúng để tránh vi phạm

.

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt Nghị định 137) đã có hiệu lực. Tuy nhiên, người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ. Bởi nếu hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phát hiện, thu giữ số pháo được vận chuyển trên xe khách, đầu năm 2020. Ảnh: L.HÙNG
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố phát hiện, thu giữ số pháo được vận chuyển trên xe khách, đầu năm 2020. Ảnh: L.HÙNG

Chỉ được đốt pháo hoa không gây ra tiếng nổ

Điểm chung của các loại pháo đang được bày bán trên địa bàn thành phố đều không phát ra tiếng nổ. Các loại pháo này chỉ có tác dụng trang trí, khi sử dụng có thể phát ra ánh sáng. Theo chủ một cửa hàng tạp hóa nằm trên tuyến đường Hùng Vương (quận Hải Châu), những loại pháo này được người dân ưa chuộng và sử dụng phổ biến nhiều nhất vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi...

Qua trao đổi, nhiều người dân chưa phân biệt được các loại pháo và các trường hợp được phép sử dụng pháo hoa. Đáng chú ý, có người còn cho rằng được đốt tất cả các loại pháo hoa trong dịp lễ, Tết. Bà Bùi Thị Cúc (1960, trú quận Ngũ Hành Sơn) nói: “Khi nghe thông tin về Nghị định  137 được sử dụng pháo có hiệu lực, tôi và một số người bạn mơ hồ không biết những loại pháo nào có thể sử dụng và sử dụng vào thời điểm nào. Việc mua pháo ở đâu và đốt như thế có gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc như bị thương, cháy, nổ, tiếng ồn hay không?”. Anh Bùi Văn Thái (1989, trú quận Sơn Trà) cho rằng: “Tôi ủng hộ tinh thần của nghị định. Việc đốt pháo hoa trong những ngày Tết, lễ hội... là một phong tục, tập quán lâu đời của người dân, do đó việc bổ sung quy định mới cho phép người dân đốt pháo hoa là phù hợp và bảo đảm tính nhân văn”.

Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, theo Nghị định 137, pháo hoa được phép sử dụng khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt không gây ra tiếng nổ. Đối tượng sử dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự từ đủ 18 tuổi trở lên; được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chỉ được mua pháo tại tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo. Trong khi đó, đối tượng sử dụng pháo hoa nổ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, chỉ sử dụng các sự kiện văn hóa, du lịch mang tính quốc gia, quốc tế. “Việc nghị định bị hiểu sai, làm khác có thể là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng buôn bán lậu pháo. Vì vậy, ngoài sự quyết liệt vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình kiến thức.”, Đại tá Phan Văn Dũng nhấn mạnh.

Sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Tại thành phố Đà Nẵng những năm qua, tình hình mua bán, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng trái phép pháo được kiểm soát tốt nhưng vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán vẫn có diễn biến phức tạp. Đơn cử, ngày 22-12-2020, lực lượng Công an thành phố phát hiện tài xế xe khách tên Đ.N.Đ (trú thành phố Đà Nẵng) chở 4 hộp pháo dàn có trọng lượng 5,8kg từ Hà Nội vào Đà Nẵng tiêu thụ. Trước đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại huyện Hòa Vang cũng phát hiện xe tải chở 50 thùng pháo Trung Quốc với hơn 1.000 sản phẩm.

Đại tá Phan Văn Dũng cho biết, Công an thành phố đã chủ trì làm việc với Cảng vụ hàng hải, bến xe, ga đường sắt, An ninh hàng không, cảng Đà Nẵng, Công an các địa phương… để trao đổi các nội dung liên quan về Nghị định 137. Trên cơ sở đó, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình lên kế hoạch ngăn chặn, phát hiện hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo lậu… Đồng thời, Công an thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền bằng hình thức gửi tin nhắn SMS đến từng người dân, qua Tổng đài 1022, qua mạng xã hội zalo; in và phát tờ rơi có nội dung và hình ảnh sinh động đến tận các khu dân cư để người dân hiểu đúng và hiểu đủ các quy định trong Nghị định 137.

Người dân cũng sẽ tham gia ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng các loại pháo nổ trái quy định. Sau một thời gian tuyên truyền, lực lượng Công an sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở. Nếu phát hiện có tàng trữ, buôn bán pháo lậu sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Đại tá Phan Văn Dũng, Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định, sẽ phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi “Sử dụng các loại pháo mà không được phép”, từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm” và từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi “Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm”. Trường hợp nếu đốt pháo hoa tại nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.