Sáng 10-3, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã trình bày bản luận tội, phân tích hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Các bị cáo tại phiên xét xử, chiều 9-3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo đó, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, các bị cáo trong vụ án này hầu hết là người giữ vị trí chủ chốt, quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn, tài sản quốc gia. Tuy nhiên, hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong vụ án này khiến cho dự án dang dở, làm lãng phí nguồn lực kinh tế xã hội đặc biệt nghiêm trọng. Nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lẽ ra đã có thể giúp giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước. Hành vi phạm tội các bị cáo còn xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính và trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi sai phạm tương tự.
Hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB tổng số tiền là hơn 543 tỷ đồng. Đây là thiệt hại thực tế do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ gây ra, được tính là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số tiền lãi PVB còn có nghĩa vụ trả cho các Ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án như nội dung truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Bị cáo Đinh La Thăng khai báo trước Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án Ethanol Phú Thọ, sáng 8-3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đánh giá vai trò của bị cáo Đinh La Thăng trong vụ án, với chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai các Dự án nhiên liệu sinh học, mặc dù biết Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, tình hình tài chính đang có khó khăn không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng bị cáo Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới bằng bút phê và chủ trì các cuộc họp để kết luận chỉ đạo quyết liệt PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ, dẫn đến hậu quả dự án phải dừng thi công cho đến nay vẫn không có hạng mục nào được hoàn thành để đưa vào sử dụng, gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc thực hiện tội phạm. Bị cáo vừa là người đề ra chủ trương vừa chỉ đạo cấp dưới thực hiện tội phạm. Do đó, theo đại diện Viện Kiểm sát, cần có một hình phạt nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo Đinh La Thăng đã gây ra, đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC), Viện Kiểm sát xác định, bị cáo biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, ký văn bản gửi PVB xin được chỉ định thầu, chủ trì cuộc họp Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc PVC có nội dung đồng ý thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ với giá hơn 59 triệu USD, mặc dù trước đó đã đưa ra giá chào thầu là hơn 87 triệu USD. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng ký nhiều văn bản liên quan xin cam kết thực hiện gói thầu, chấp thuận nội dung hợp đồng EPC nhằm được thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng. Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh phạm tội với vai trò đồng phạm là người thực hành trong đồng phạm và là người tích cực thực hiện tội phạm.
Ngoài hành vi phạm tội nêu trên, năm 2010 với mục đích mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng. Để hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo chuyển 21 tỷ đồng tiền tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh yêu cầu bị cáo Đỗ Văn Hồng (Tổng Giám đốc PVC Kinh Bắc) chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Mai Phương của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, qua đó hưởng lợi 3 tỷ đồng. Trong hành vi này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò chính, chủ mưu thực hiện tội phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm bị đưa ra xét xử tại phiên tòa này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Vụ án này một lần nữa chứng minh hành vi phạm tội có tính chất “Nhóm lợi ích” tiêu cực do những người có chức vụ quyền hạn, người đứng đầu trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên các mặt chính trị, kinh tế cần phải được xét xử nghiêm minh trước pháp luật, để bảo vệ luật pháp, bảo đảm vận hành nền kinh tế theo pháp luật và sự tuân thủ của các chủ thể khi tham gia các quan hệ kinh tế.
Chiều 10-3, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Theo baotintuc.vn