Bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1-1-2023: Dùng 4 loại giấy tờ chứng minh cư trú

.

Từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được bãi bỏ, công dân sẽ có 4 loại giấy tờ chứng minh cư trú thay sổ hộ khẩu để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, gồm: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin cư trú và giấy thông báo số định danh cá nhân.

Công an quận Thanh Khê thu nhận hồ sơ để cấp căn cước công dân và số định danh cá nhân cho công dân trên địa bàn. Ảnh: LÊ HÙNG
Công an quận Thanh Khê thu nhận hồ sơ để cấp căn cước công dân và số định danh cá nhân cho công dân trên địa bàn. Ảnh: LÊ HÙNG

Trao đổi với Báo Đà Nẵng xung quanh vấn đề này, Thượng tá Võ Hoàng Trung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố, cho biết:

- Bộ Công an đã triển khai 7 phương thức để người dân cung cấp cho cán bộ liên quan thông tin cư trú, nhân thân của mình, gồm: sử dụng căn cước công dân; thiết bị đọc QR code; thiết bị đọc chip, tra cứu; khai thác thông tin trên cổng dịch vụ công; thông tin trên VNeID; rà soát thông tin về cư trú; thông báo số định danh cá nhân.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) cũng quy định 4 phương thức sử dụng thông tin cư trú của công dân thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Thứ nhất tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID. Thứ ba, sử dụng thiết bị đầu đọc được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân. Thứ tư, các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP nêu rõ trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức... được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin cư trú, gồm: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

* Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và sử dụng số định danh cá nhân sẽ thuận lợi như thế nào đối với người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước?

- Công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện. Đồng thời, được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình...

Hoạt động này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường hợp có thông tin trùng lặp về công dân. Ngoài ra, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính Nhà nước; giúp tăng cường công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng. Giúp việc kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

* Lợi ích của người dân khi mở tài khoản định danh như thế nào, thưa ông?

- Định danh điện tử là một tài khoản được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Người dân dùng mã số định danh cá nhân (mã số trên căn cước công dân gắn chíp) và số điện thoại hoặc email để đăng ký. Người chưa có căn cước công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử khi làm căn cước công dân mới. Tài khoản này chỉ cấp cho những người có nhu cầu đăng ký. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh Việt Nam hoặc tổ chức hoạt động tại Việt Nam sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử. Trường hợp chưa đủ 14 tuổi sẽ được đăng ký theo tài khoản định danh của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Khi đăng ký và được nhà quản lý xác thực thành công, công dân truy cập ứng dụng VNeID sẽ hiện ra các thông tin như: thẻ căn cước công dân và các loại giấy tờ tuỳ thân đã được đồng bộ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Có tài khoản này, khi làm các thủ tục hành chính cần xuất trình giấy tờ, công dân chỉ cần mở ứng dụng và trình các giấy tờ đã tích hợp trong ứng dụng cho đơn vị yêu cầu.

* Để việc triển khai các quy định Luật Cư trú năm 2020 thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, Công an thành phố triển khai các giải pháp gì?

- Ngoài việc yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và thông báo số định danh cá nhân, Giám đốc Công an thành phố đã có văn bản đề nghị công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của thẻ căn cước công dân gắn chip đã tích hợp thông tin cá nhân, thông tin về cư trú của công dân, giá trị pháp lý của các loại giấy tờ: thông báo số định danh cá nhân, giấy xác nhận về thông tin cư trú được sử dụng nhằm xác định thông tin về cư trú của công dân. Đồng thời, yêu cầu trưởng công an phường, xã quán triệt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phải tạo điều kiện cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân cho công dân để thực hiện các giao dịch dân sự, giải quyết thủ tục hành chính…

Cùng với đó, Công an thành phố cũng đang tập trung làm sạch dữ liệu và làm giàu nguồn dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn chưa quen với công nghệ mới nên còn bỡ ngỡ, lúng túng. Vì vậy, để giúp người dân thích ứng các yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính ở các cổng dịch vụ công trực tuyến khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy rất cần sự vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ của cả hệ thống chính quyền địa phương.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Đến nay, Đà Nẵng đã thu nhận 857.286 hồ sơ cấp căn cước công dân, trong đó 818.817 công dân thường trú và 38.469 công dân tạm trú. Thành phố cũng thu nhận 105.827 hồ sơ mở tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 của công dân và thông báo 100% mã số định danh cho công dân chưa được cấp căn cước công dân. Công an phường, xã là cơ quan thông báo số định danh cá nhân và cấp giấy xác nhận thông tin cư trú cho công dân.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.