Pháp luật

Vụ án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai: Không đồng ý cho Công ty AIC bồi thường thay Nguyễn Thị Thanh Nhàn

14:06, 24/05/2023 (GMT+7)

Sáng 24-5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ (Công ty AIC) và các đơn vị liên quan.

Quang cảnh phiên toà. Ảnh tư liệu: TTXVN
Quang cảnh phiên toà. Ảnh tư liệu: TTXVN

Hai bị cáo được hưởng án treo

Theo đó, Tòa phúc thẩm đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, giảm hình phạt cho các bị cáo: Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai); Vũ Quang Ngọc (Giám đốc văn phòng Công ty Medicosult); Lê Chí Tuân (Trưởng phòng thuộc Công ty AIC); Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân); Lê Thị Hương (Phó Ban Kế toán Công ty AIC).

Cụ thể, Tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (giảm 3 năm so với án sơ thẩm) và 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho hai tội là 16 năm tù.

Cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Tòa phúc thẩm tuyên phạt: bị cáo Vũ Quang Ngọc 3 năm tù (giảm 6 tháng so với án sơ thẩm); bị cáo Lê Chí Tuân 2 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù). Hai bị cáo được Tòa cho hưởng án treo, trả tự do ngay tại Tòa là: Huỳnh Tuấn Anh (sơ thẩm 30 tháng tù); bị cáo Lê Thị Hương (sơ thẩm 36 tháng tù).

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Lê Chí Tuân chỉ là nhân viên làm công hưởng lương; bị cáo Vũ Quang Ngọc chỉ là thành viên Tổ chuyên gia, thực hiện theo sự chỉ đạo, đã chủ động khai báo hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm...

Đối với Phan Huy Anh Vũ, bị cáo bày chỉ có vai trò đồng phạm, giúp sức cho các bị cáo chủ mưu thuộc Công ty AIC và nhóm bị cáo thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan, một phần vì do nể nang, vì có vị trí lệ thuộc trong mối quan hệ chỉ đạo, sức ép từ cấp trên; mục đích là nhanh chóng hoàn thành dự án để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong khu vực... Về hành vi nhận hối lộ, mặc dù hậu quả đã được khắc phục toàn bộ, nhưng số tiền mà cáo nhận là rất lớn, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo mức án 9 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề là phù hợp, không có căn cứ xem xét hình phạt về tội “Nhận hối lộ” đối với bị cáo Vũ. Do đó, bị cáo Vũ chỉ được giảm án đối với tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Huỳnh Tuấn Anh và Lê Thị Hương được Tòa nhận định, dù không bị buộc bồi thường nhưng bị cáo đã tích cực tác động gia đình nộp thêm tiền khắc phục bồi thường thiệt hại, hiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, có nhiều đóng góp cho công tác xã hội... Đây là tình tiết mới nên Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận, xét thấy các bị cáo phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện theo sự chỉ đạo của các bị cáo khác, không được hưởng lợi... nên tuyên bị cáo Lê Thị Hương, Huỳnh Tuấn Anh giữ nguyên mức hình phạt nhưng cho hưởng án treo.

Riêng Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.  Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm, vai trò trách nhiệm của bị cáo này trong vụ án là có căn cứ. "Tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi của bị cáo với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn" - Tòa phúc thẩm nhận định.

Bên cạnh đó, tại cấp phúc thẩm, bị cáo chưa thể hiện thái độ tích cực trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, đồng thời bị cáo cũng không xuất trình thêm tài liệu mới để xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo 12 năm tù là phù hợp. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga về phần hình phạt.

Tám bị cáo đang bỏ trốn, bị truy nã, không được Tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC), Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên), Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha), Nguyễn Thị Sen (nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị Y tế và Môi trường), Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC).

Tòa phúc thẩm tuyên: Phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Đỗ Văn Sơn có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Không đồng ý cho Công ty AIC bồi thường thay

Về phần dân sự, Tòa cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn dân sự là Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2023/HS-ST ngày 4-1-2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về phần trách nhiệm dân sự.

Tòa buộc các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Hoàng Thị Thúy Nga và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (Công ty AIC) phải liên đới bồi thường cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai số tiền hơn 149 tỷ đồng; trong đó Công ty AIC phải bồi thường 15 tỷ đồng, các bị cáo Trần Mạnh Hà, Hoàng Thị Thúy Nga mỗi bị cáo phải bồi thường 15 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải bồi thường hơn 103 tỷ đồng. Tòa ghi nhận bị cáo Nga đã bồi thường 1 tỷ đồng và còn phải bồi thường 14 tỷ đồng.

Quá trình xét xử sơ thẩm, tuy đại diện cho Công ty AIC đồng ý tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do các bị cáo gây ra, nhưng xét Công ty AIC không còn tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án, nên Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần đề nghị này là có căn cứ. Trong vụ án, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà và Hoàng Thị Thúy Nga có vai trò cao nhất, là những người chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp chỉ đạo, điều hành các bị cáo khác, đem lại lợi nhuận cho Công ty AIC nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc 3 bị cáo Nhàn, Hà, Nga và Công ty AIC liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai là có căn cứ.

Do bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường phần lớn thiệt hại là phù hợp. Do đó, Tòa phúc thẩm xác định, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn dân sự Công ty AIC và kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga về phần này.

Theo TTXVN

.