Pháp luật

Cảnh báo tình trạng thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật

06:59, 11/09/2023 (GMT+7)

Tình trạng thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật và phạm tội tại các địa phương nói chung, Đà Nẵng nói riêng có xu hướng gia tăng. Đây là vấn đề gây lo lắng, bức xúc cho gia đình, nhà trường và xã hội, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Phòng ngừa, đấu tranh làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lứa tuổi thanh - thiếu niên là vấn đề cấp bách đặt ra, cần có những giải pháp căn cơ, bền vững.

Nhóm thanh-thiếu niên từ 13-15 tuổi thực hiện hàng chục vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn thành phố. Ảnh: LÊ HÙNG
Nhóm thanh-thiếu niên từ 13-15 tuổi thực hiện hàng chục vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn thành phố. Ảnh: LÊ HÙNG

Bài 1: Phút bốc đồng, cả đời hối hận

Đa số thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật và phạm tội đều dưới 18 tuổi (chiếm 75,5%), thường không được gia đình quản lý, giáo dục; ham chơi, nghiện game và rất liều lĩnh, coi thường pháp luật. Đặc biệt, các trường hợp này sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

Thời gian qua, nhiều nhóm thanh - thiếu niên tổ chức tụ tập, mang hung khí ra đường đánh nhau khiến người dân bất an. Điều đáng nói, nhiều vụ “hỗn chiến” xuất phát từ nguyên nhân đơn giản như cho rằng bị “nhìn đểu”, tức nhau tiếng nẹt pô hoặc thách đố trên mạng xã hội. Tại Đà Nẵng, những tuyến đường như: Nguyễn Tất Thành, Như Nguyệt, Lê Đức Thọ... là địa điểm các nhóm thanh - thiếu niên thường chọn để làm bãi đáp. Các nhóm tụ tập hàng chục người, mang theo dao phóng lợn, cây ba chĩa, “bom xăng”... Mỗi khi đến điểm hẹn, tiếng pô xe độ chế của các nhóm gầm rít xé toạc màn đêm, làm người đi đường hoang mang, lo lắng.

Khuya 3-5, nhóm 7 thanh - thiếu niên sau khi nẹt pô đi tìm đối thủ không thấy đã mang hung khí lên cầu Rồng chụp ảnh đăng lên hội nhóm trên mạng xã hội để “thị uy”. Đáng nói, 4/7 trường hợp trong nhóm trước đó bị Công an quận Sơn Trà điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Ngày 7-5, Công an quận Sơn Trà bắt tạm giam P.Đ.K (SN 2005, trú quận Cẩm Lệ) và 4 nghi phạm khác để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là nhóm cầm hung khí xông vào quán nước mía trên đường Võ Văn Kiệt chém tới tấp nam thanh niên giống người trong nhóm đối thủ, khiến nhiều người khiếp sợ chạy tán loạn…

Đến ngày 22-6, Công an quận Hải Châu bắt tạm giam N.N.H (SN 2007, trú huyện Hòa Vang) và 2 đồng phạm để điều tra về hành vi “Giết người”. Nhóm thanh - thiếu niên “xóm Chùa” (quận Hải Châu) mâu thuẫn với nhóm ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) do Hào cầm đầu. Hào rủ thêm các nhóm ở các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà hỗ trợ tìm đánh nhóm “xóm Chùa”. Khuya 24-4, H. và hàng chục thanh - thiếu niên mang theo hung khí, gồm: dao phóng lợn, dao tự chế di chuyển qua nhiều tuyến đường tìm nhóm “xóm Chùa”. Khi đến ngã tư đường Trưng Nữ Vương - Hoàng Diệu (quận Hải Châu), phát hiện đối thủ, nhóm Hào đuổi đánh và dùng dao tự chế, dao phóng lợn chém liên tiếp vào vùng hiểm yếu của N.L.H.P (SN 1999, trú quận Hải Châu), khiến nạn nhân gục tại chỗ…

Trước đó, người dân phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) chứng kiến hai nhóm thanh - thiếu niên “nói chuyện” trong đêm sau khi xung đột với nhau trên facebook. Cụ thể, 2 nhóm hẹn nhau tại đường Thanh Hóa (phường Hòa Xuân) và điều khiển xe máy độ chế nẹt pô, kéo lê dao phóng lợn, gậy ba chỉa, ném “bom xăng” uy hiếp…

Tương tự, người dân quận Sơn Trà vẫn còn rùng mình khi nhớ lại vụ “hỗn chiến” giữa nhóm “Anh em Mân Thái” và nhóm “Cẩm Lệ”. Hai nhóm với hàng chục thành viên hẹn nhau trên đường Võ Nguyên Giáp để giải quyết bằng dao phóng lợn, gậy ba chỉa, “bom xăng”. Các trường hợp điều khiển xe máy dàn hàng ngang nẹt pô, kéo lê hung khí xuống đường bắn tia lửa khiến nhiều người đi đường khiếp sợ. Khi xáp lá cà, hai bên ném “bom xăng” và lao vào hỗn chiến… 

Dẫn chứng một vài vụ án, vụ việc để thấy, tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật diễn biến khá phức tạp. Tính chất, mức độ của hành vi ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng.

“Cơn lốc” hội nhóm

Đáng báo động, ngoài những trường hợp cá biệt cầm đầu, nhiều thanh - thiếu niên bị “cơn lốc” hội nhóm “kéo đi” ngày càng xa gia đình… Do tuổi trẻ bốc đồng, nhận thức còn hạn chế, lại bị rủ rê, lôi kéo nên các trường hợp không lường trước được hậu quả. Trên địa bàn thành phố có nhiều hội nhóm tập hợp các thanh - thiếu niên hư hỏng, đua đòi, có những quy định, dấu hiệu nhận diện riêng. Không những đánh nhau bất chấp, nhiều thanh-thiếu niên còn xem các vụ đánh nhau là “thành tích” để khoe lấy “số má”. Ngoài ra có những em bị rủ rê, cứ có hội, nhóm rủ là đi, gặp là đánh.

Chỉ vì nhẹ dạ nghe theo lời rủ rê của bạn bè, N.T.H (SN 2006, trú quận Liên Chiểu) đã phạm tội giết người. Khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố đọc quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, H. bủn rủn tay chân, òa khóc nức nở. Điều duy nhất H. mong muốn thời điểm ấy là được gọi điện về cho mẹ. H. mếu máo vì không nghĩ hành vi mình gây ra lại nghiêm trọng, hậu quả lớn đến như vậy.

Những vụ ẩu đả khiến dư luận và những người chứng kiến rùng mình vì các loại hung khí hết sức nguy hiểm. Ám ảnh nhất vẫn là “dao phóng lợn” đủ kích cỡ và ba chỉa, mã tấu, “bom xăng” tự tạo. Nếu trước đây, các trường hợp liên hệ cửa hàng cơ khí rèn nguyên bộ thì giờ đã thay đổi hình thức, mua mỗi nơi một bộ phận để dễ vận chuyển, cất giấu và phi tang. Khi cần dùng để tụ tập đánh nhau, các bộ phận hung khí được tập hợp lại, lắp ráp nhanh chóng.

Theo công an các địa phương, tùy khu vực sinh sống hoặc mối quan hệ quen biết, các nhóm thanh - thiếu niên sẽ có tên gọi, đặc điểm nhận diện và cả phương tiện gây án riêng. Trung bình mỗi nhóm có khoảng vài chục người với các tên gọi rất “kêu”, như: “Lính hình sự”, “Hội tam quốc”, “Mãi là anh em”, “Anh em Mân Thái”, “ Anh em Cẩm Lệ”…

Nhìn nhận về một số vấn đề pháp lý xung quanh các vụ việc thanh - thiếu niên dùng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật ATG (Đoàn Luật sư thành phố) cho biết, khoản 6, Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cũng theo luật sư Tuấn, quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra... Riêng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có một chương quy định về thủ tục xử lý (từ Điều 413 đến Điều 430). Đây được xem là một trong những thủ tục đặc biệt, nhằm xử lý nghiêm minh nhưng vẫn bảo đảm tính khoan hồng, giáo dục đối với người phạm tội dưới 18 tuổi để tạo điều kiện cho họ được học tập, cải tạo và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.

LÊ HÙNG - NGỌC KHÁNH

.