Pháp luật

Trách nhiệm pháp lý trong vụ Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

06:53, 19/10/2023 (GMT+7)

Tại phiên xử vụ sai phạm giai đoạn 2 Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, các luật sư đặt nhiều câu hỏi để làm rõ 2 vấn đề quan trọng trong vụ án là giám định và trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16/10. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16-10. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 18-10, tại phiên xử 22 bị cáo trong vụ sai phạm giai đoạn 2 Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, các luật sư đã tham gia thẩm vấn các bị cáo.

Các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi đối với các bị cáo để làm rõ 2 vấn đề quan trọng trong vụ án là giám định và trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại.

Tại phiên tòa, các luật sư viện dẫn thực tế hiện nay lớp tạo nhám vẫn đảm bảo độ an toàn cho giao thông hàng ngày trên trục đường, do đó, không thể phủ nhận được hiện nay đoạn đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vẫn được khai thác sử dụng đúng với mục đích ban đầu thực hiện dự án.

Do đó, một số bị cáo đã làm đúng theo trách nhiệm của một nhân viên làm theo căn cứ cấp trên giao phó, tuân thủ theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam và Ban Quản lý Dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Vì vậy, theo luật sư, cần xem xét toàn diện trên cơ sở những người làm theo đúng các quy định.

Đối với việc xác định thiệt hại làm cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý, một số luật sư cho rằng số tiền thiệt hại theo Cáo trạng được xác định hơn 460 tỷ đồng là khoản tiền đã thanh toán tạm cho các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu, cần làm rõ đó có phải thiệt hại thực tế không.

Giá trị thanh toán cho các nhà thầu là giá trị thanh toán theo Hợp đồng ký giữa các bên, không phải là thiệt hại xảy ra do các hành vi của các bị cáo gây ra.

Việc một số bị cáo ký vào các hồ sơ nghiệm thu, thanh toán (IPC) cho các lớp vật liệu không quyết định có thanh toán hay không thanh toán cho các nhà thầu, ngoài ra còn phải có ý kiến, quyết định của nhiều bên liên quan.

Do đó, theo luật sư, cần xác định lại thiệt hại theo hướng xác định giá trị công trình bị hư hỏng tại gói thầu do người phụ trách, hoặc giá trị chi phí hợp lý để khắc phục cho thiệt hại đó.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, quá trình thi công dự án Đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.

Ngoài ra, khi tiến hành nghiệm thu, các bị cáo không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu; có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện Ban Quản lý Dự án.

Hội đồng nghiệm thu cơ sở không tiến hành nghiệm thu hoàn thành chuyển bước giai đoạn thi công tổng thể nền đường (kết thúc thi công lớp đất nền K98), tổng thể mặt đường (kết thúc thi công VTO).

Viện Kiểm sát nhận định các hành vi nêu trên đã có vi phạm nhưng các bị cáo vẫn lập hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình, đánh giá chất lượng thi công đảm bảo để được thanh toán theo dự toán đã phê duyệt và đưa công trình vào khai thác, sử dụng, dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 460 tỷ đồng.

Theo Vietnam+

.