Pháp luật

Cái giá của suy nghĩ nông cạn

08:45, 09/05/2024 (GMT+7)

Đang có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc và “ăn nên làm ra”, nhưng chỉ vì nông cạn, thiếu suy nghĩ, P.L (SN 1967, trú quận Thanh Khê) đã đạp đổ tất cả. Những năm tháng sau song sắt, ắt hẳn người đàn ông này sẽ rất day dứt, bởi chính bản thân đã đẩy con ruột, em trai cùng vào trại giam.

Ông P.L có mặt tại pháp đình trong trang phục màu xanh của phạm nhân, còn người con trai và em ruột mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen. Phiên tòa diễn ra, bao nhiêu lo lắng, buồn phiền hiện rõ trên khuôn mặt của người đàn ông sắp bước đến tuổi 60. Có lẽ, đã hiểu rất rõ sự nông cạn, thiếu suy nghĩ của bản thân khiến con ruột và em trai cùng theo vào tù, nên ông L. liên tục cúi mặt, chỉ ngước lên khi trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử.

Trước đó, tại  phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn tuyên phạt các bị cáo P.L 6 năm tù, P.B.P (SN 1991, con trai L.) và P.B.T (SN 1977, em ruột L.) cùng 4 năm 6 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Riêng bị cáo P.L. lãnh thêm 1 năm 6 tháng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Sau phiên sơ thẩm, cả 3 bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo cáo trạng, anh P.Q.K (SN 1991, quê tỉnh Quảng Trị) là đối tác làm ăn với gia đình P.L. Ngày 10-3-2023, anh K. đến cửa hàng của P.L mua thiết bị âm thanh lắp cho công trình. Thường hay giao dịch kiểu “gối đầu”, nên L. tin tưởng cho anh K. nợ 150 triệu đồng. Anh K. hứa sau khi bàn giao công trình sẽ thanh toán. Tuy nhiên, sau nửa tháng không thấy anh K. trả nợ... Đến chiều 2-4-2023, L. tìm gặp anh K. tại một quán cà phê trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Tại đây L. yêu cầu anh K. trả nợ, giật điện thoại và ép anh K. về cửa hàng. Về đến cửa hàng, thấy còn đông khách, L. đưa anh K. ra quán nhậu gần đó. Anh K. xin về kiếm tiền trả nợ nhưng L. không đồng ý, yêu cầu phải trả ngay. Đến khuya cùng ngày, sợ anh K. bỏ trốn, L. gọi điện cho con trai là P.B.P chở anh K. qua công ty dịch vụ bảo vệ của ông H.C.T để đội bảo vệ giám sát. Ông H.C.T không đồng ý, yêu cầu đưa anh K. đi nơi khác. Lúc này, L. nói P.B.P gọi thêm ông P.B.T chở anh K. về nhà kho trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Các đối tượng nhốt anh K. trong kho, khóa trái cửa ngoài. Đến sáng, không thấy động tĩnh, L. vào thì phát hiện anh K. đã treo cổ tự tử.

Tại phiên tòa, chị T.T.M.C cho rằng chồng mình là người khuyết tật nặng về mắt, cuộc sống gia đình khá khó khăn. Đồng thời, mong muốn hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Có mặt tại phiên xét xử, ai cũng tiếc cho 3 bị cáo. Bởi nếu suy nghĩ chín chắn và có sự nhẫn nại, giải quyết sự việc thấu tình đạt lý thì họ đã khác, có thể đang được yên vui, hạnh phúc bên gia đình và người thân.

Theo hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo bắt giữ, nhốt nạn nhân trong kho thể hiện thái độ xem thường pháp luật, xem thường người khác, gián tiếp gây ra cái chết cho anh K. Đồng thời, vụ án gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, tạo ra tâm lý bất an. Bản thân các bị cáo đều có nhân thân tốt, đều có quan hệ huyết thống với nhau. P.B.P và P.B.T là con và em của P.L nên mới nghe theo sự chỉ đạo của bị cáo dẫn đến phạm tội. Tuy nhiên, hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có tình tiết giảm nhẹ mới, do đó bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.

Vụ án là bài học không chỉ dành cho 3 bị cáo mà còn dành cho tất cả mọi người. Bởi mọi hành động và suy nghĩ nóng vội, nông cạn đều phải trả cái giá rất đắt.

TRÍ DŨNG

.