Pháp luật

Cựu chủ tịch FLC điều trị bệnh, phiên phúc thẩm bị hoãn

14:38, 26/12/2024 (GMT+7)

Theo quyết định đưa ra xét xử, hôm nay (26-12), TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC và đồng phạm.

Các bị cáo liên quan vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Quang Việt
Các bị cáo liên quan vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Quang Việt

Khoảng 10 giờ 30, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm thông báo hoãn phiên xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Theo thông báo, ông Trịnh Văn Quyết đang điều trị ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày... tại Bệnh viện 198 Bộ Công an; 5 trong 7 luật sư của ông Quyết có đơn xin hoãn xét xử vào hôm nay.

Trước khi hỏi ý kiến Viện KSND, chủ tọa phân tích, để mở được phiên phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1.000 công văn, giấy mời cho các thành phần được triệu tập, tòa đã mất tới 7 ngày làm việc của 5 nhân sự.

Chủ tọa thông tin, chi phí để các giấy này đến tay người cần nhận là 7-12.000 đồng/chiếc. Đấy là mới nói chi phí rất đơn giản, chưa tính công tác dẫn giải, lực lượng an ninh.

"Đó đều là tiền ngân sách. Tòa nói vậy để mọi người hiểu và thấu hiểu, không ai muốn mở ra để hoãn, ai cũng muốn xử ngay để tiết kiệm ngân sách, vì không chỉ các vị vất vả sắp xếp thời gian đi lại", chủ tọa nói.

Phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng hơn 20 bị cáo khác, người bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông Quyết và 2 em gái Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga xin giảm nhẹ hình phạt, trách nhiệm dân sự.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết tổng cộng 21 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán".

Theo cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để dùng vào mục đích riêng của mình, ông Trịnh Văn Quyết đã dùng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo người khác thực hiện hành vi gian dối nhằm tăng khối vốn góp chủ sở hữu tại công ty này từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng.

Sau đó, hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Ông Trịnh Văn Quyết giao ông Doãn Văn Phương - cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC (đang bỏ trốn) và Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động để hợp thức hồ sơ nâng vốn khống; trực tiếp nhờ một số cá nhân đứng tên là cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faros.

Các bị cáo thuộc Công ty Faros, một số công ty kiểm toán, người thân quen của ông Trịnh Văn Quyết... đã thực hiện chỉ đạo của ông Phương và bà Huế ký hợp thức các thủ tục nâng khống vốn góp và hợp thức sử dụng vốn góp khống...

Bị cáo Trịnh Văn Quyết còn sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt 3.621 tỉ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết bị xác định là chủ mưu, người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên thành 4.300 tỉ đồng; chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng. Trong đó, phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỉ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỉ đồng thao túng chứng khoán. Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bồi thường được hơn 600 tỉ đồng.

Theo laodong.vn

.