Từ nạn nhân thành bị cáo

.

Bị người khác lừa, L.T.C.P (50 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) tìm cách lừa lại người khác. Từ nạn nhân, P. trở thành bị cáo.

P. là giáo viên mầm non, mở lớp nuôi dạy trẻ tại nhà và được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con. Với P., niềm hạnh phúc của cả cuộc đời có lẽ dồn hết vào những nụ cười trẻ thơ. Chính vì vậy, trong nhiều năm, P. luôn cố gắng tích lũy tiền với mong muốn nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thế nhưng, với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, đến năm 2013, P. chỉ mới tích cóp được 50 triệu đồng. Nhiều phụ huynh đang gửi con tại cơ sở của P. biết tâm nguyện của cô giáo nên nhiệt tình cho mượn với tổng số tiền là 150 triệu đồng. Có được khoản tiền này, P. vui lắm; nhưng suy đi tính lại, P. sợ mình không rành chuyện đất đai nên đưa số tiền này cho một người bạn nhờ mua đất để mở thêm cơ sở nuôi giữ trẻ.

Vậy mà, đáp lại lòng tin của P. là sự bặt vô âm tín của người bạn. Bị người bạn chiếm đoạt tiền, P. rơi vào ngõ cụt, không biết xoay xở làm sao để trả nợ, đành phải vay mượn khắp nơi. Lãi sinh lãi khiến số nợ ngày càng phình to. Cũng trong thời gian này, P. tìm hiểu thủ tục du học cho con gái nên quen biết T.T.M (38 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) làm nghề dịch thuật, tư vấn du học tại một trung tâm. Tuy nhiên, đang trong thời kỳ khó khăn, không đủ tiền cho con đi nước ngoài, P. đành từ bỏ.

Lúc này, M. cho biết có khả năng làm được giấy tờ, tài liệu giả để chứng minh tài sản làm thủ tục du học nếu có nhu cầu.
Đang không còn khả năng chi trả nợ, P. liền nảy sinh ý định nhờ M. làm giả giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Từ năm 2014 đến năm 2017, P. đã nhờ M. làm giả 7 sổ đỏ và hợp đồng ủy quyền với giá từ 2 - 5 triệu đồng/lần. Với các giấy tờ trên, P. rao bán nhà, đất cho nhiều người, chiếm đoạt gần 2,6 tỷ đồng.

Đứng ở bục khai báo của phiên xử sơ thẩm do TAND thành phố xét xử hôm ấy là 2 phụ nữ trong trang phục áo sơ-mi chỉn chu, khác hẳn nhân dạng xộc xệch thường thấy của các bị cáo khác. Nước mắt lưng tròng, P. lí nhí trả lời khi hội đồng xét xử hỏi về động cơ phạm tội: “Bị cáo quá tin người nên mới mất hết tất cả”. Suốt buổi xét hỏi, P. không ngừng lặp đi lặp lại như thế rồi bật khóc.

Vì lòng tin, P. trở thành nạn nhân. Cũng lại là lòng tin khiến P. vướng vòng lao lý. “Bởi vì phụ huynh tin tưởng nên mới cho bị cáo mượn tiền. Bị cáo không muốn mọi người mất lòng tin vào bị cáo nên phải vay mượn khắp nơi để trả. Nhưng dù bị cáo nỗ lực làm việc hơn nữa vẫn không thể nào khắc phục được. Tình hình càng ngày càng trầm trọng, bị cáo bí bách quá mới làm liều”, P. nấc nghẹn.

Trong khi đó, ma lực của đồng tiền khiến M. không làm chủ được bản thân mình, thỏa hiệp với cái sai. M. không biện minh nhiều cho lỗi lầm của mình, chỉ liên tục nói lời xin lỗi. Đáng tiếc, nỗi ân hận của M. đã quá trễ. Cái giá phải trả cho hành vi nông nổi của 2 bị cáo là P. lãnh 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; M. lãnh 1 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.