Mỹ và Kyrgyzstan trong tuần này đã ký thỏa thuận thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa phi quân sự tới Afghanistan qua căn cứ không quân Manas của đất nước Trung Á này.
Binh sĩ Mỹ đến Afghanistan trên một máy bay ở căn cứ Manas vào tháng 2-2009.(Ảnh: Reuters) |
Báo New York Times mô tả chi tiết thỏa thuận: theo đó, căn cứ Manas sẽ được xem là trung tâm trung chuyển, thay vì là một căn cứ quân sự. Kyrgyzstan sẽ kiểm soát an ninh chung quanh căn cứ (hiện tại công việc này do lực lượng quân đội Mỹ đảm nhận). Tất cả các thiết bị phi quân sự vào và ra Manas sẽ do Chính phủ Kyrgyzstan giám sát. Ngoại trưởng Kadyrbek Sarbayev nói rằng, Washington cũng phải trả 36,6 triệu USD để mở rộng sân bay, đồng thời tiếp tục đóng góp hàng chục triệu USD vào sự phát triển kinh tế và cuộc chiến chống ma túy tại quốc gia Trung Á này.
Các nguồn tin cho hay, chỉ sau 4 tháng Kyrgyzstan ra lệnh trục xuất lính Mỹ khỏi căn cứ Manas, “hiện trạng của căn cứ này đã thay đổi, nó sẽ vận chuyển hàng phi quân sự tới Afghanistan”. Để có hiệu lực, thỏa thuận giữa Bishkek và Washington còn phải được Quốc hội Kyrgyzstan thông qua. Báo New York Times cho rằng, quyết định “đảo chiều” này là một thắng lợi đối với Chính phủ của Tổng thống Barack Obama trong việc tìm kiếm các hoạt động quân sự chống lại Taliban ở Afghanistan.
Theo AP, thỏa thuận dùng căn cứ không quân Manas như một “trung tâm trung chuyển hàng” là không đúng với mong đợi của Mỹ. Washington vốn hy vọng có thể duy trì căn cứ không quân với mục đích quân sự chính thức. Song, theo các nhà phân tích, thỏa thuận mới sẽ giúp Mỹ có được cơ sở hỗ trợ hậu cần cần thiết cho các chiến dịch chống Taliban và Al-Qeada tại Afghanistan.
Trước đó, Kyrgyzstan đã yêu cầu các lực lượng Mỹ đến ngày 18-8 phải rút khỏi căn cứ không quân Mỹ tại Manas, sau khi nhận được cam kết viện trợ và cho vay 2 tỷ USD từ phía Nga. Chính phủ Kyrgystan khẳng định: họ buộc phải đưa ra quyết định cứng rắn trên là do Mỹ trả số tiền thuê căn cứ chưa xứng với một vị trí như vậy trên đất nước mình. Trong tháng 6 này, Tổng thống Obama đã gửi một bức thư cho Tổng thống Kyrgystan Kurmanbek S. Bakiyev, kêu gọi sự hợp tác hơn nữa từ phía Bishkek trong cuộc chiến chống khủng bố. Các quan chức Chính phủ Kyrgyzstan lúc đó vẫn khẳng định sẽ đóng cửa Manas theo đúng lịch trình.
Quân đội Mỹ tại căn cứ Manas năm 2007.(Ảnh: AP) |
|
Thực tế, khoảng 75% nguồn tiếp viện của Mỹ tới Afghanisstan được vận chuyển qua lãnh thổ Pakistan nhưng việc các cuộc tấn công quân sự vào các kho quân nhu và các đoàn xe tải hộ tống liên tiếp gia tăng tại đây đã làm dấy lên những nghi ngờ về vấn đề an ninh của nguồn tiếp viện. Vì vậy, Washington muốn “mượn” cửa ngõ Manas để phục vụ cho chiến trường Afghanistan.
Không những thế, Manas còn được xem là trung tâm trong cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ nhằm tạo ảnh hưởng đối với quốc gia từng thuộc Liên bang Xô-viết này. Theo báo New York Times, vẫn chưa rõ về vai trò của chính phủ Nga trong thỏa thuận mới giữa Bishkek và Washington, nhưng Tổng thống Obama sẽ có chuyến công du đến Nga vào tháng 7 tới, đồng thời có cuộc hội đàm thượng đỉnh với người đồng cấp nước chủ nhà Dmitry Medvedev. Lãnh đạo của 2 cường quốc này được cho là sẽ tìm kiếm việc cải thiện các mối quan hệ trong những tháng gần đây.
PHÚC NGUYÊN