.

Con người và môi trường

Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống. Hiện nay môi trường đang kêu cứu và cần phải được bảo vệ bởi con người.

Trong cuộc sống, một số người lầm tưởng rằng môi trường không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con người, vì vậy mà môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm và tàn phá. Cứ vô tư đốt than, phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ một cách bừa bãi không theo quy hoạch.

Cứ vô tư săn bắn thú rừng vô tội vạ nhằm mục đích phục vụ cho nhà hàng, khách sạn với tên gọi rất kêu, rất hấp dẫn là “Món ăn đặc sản” mà có biết đâu, họ đang gặm mòn sự sống của chính mình. Rác và xác súc vật chết vứt đầy xuống lòng sông, trôi nổi lềnh bềnh. Súc rửa bình xịt, đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống ao hồ, sông suối. Các loại thuốc người dân quen gọi là thuốc trừ sâu này được sử dụng ào ạt, nhiều nơi còn lạm dụng, không theo hướng dẫn của các chuyên gia làm một số loài thiên địch có lợi bị hủy diệt.

Ngành công nghiệp cũng góp phần không nhỏ trong việc gây ô nhiễm môi trường với khí thải, bụi bặm, tiếng ồn... Nước thải từ các nhà máy công nghiệp chưa qua xử lý đổ vào lòng sông làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Một số nhà máy khác thì thải ra một số chất hôi thối mà những người dân ở gần đó không thể nào chấp nhận được. Đó là chưa nói đến khói thải từ các loại xe cơ giới đã hết niên hạn sử dụng vẫn tiếp tục lưu hành. Khói thải từ hàng trăm, hàng ngàn xe máy cũng góp phần không nhỏ vào ô nhiễm môi trường.

Đánh bắt cá bằng chất nổ trên biển khá phổ biến, cộng với lưới giã cào, giã nhủi, kích điện đã làm cạn kiệt tài nguyên thủy, hải sản. Một số loài hải sản quý hiếm có nguy cơ bị tiệt chủng, môi trường sinh thái biển bị đe dọa trầm trọng, nếu như chúng ta không kịp thời ngăn chặn những kiểu đánh bắt hải sản bằng các loại phương tiện trên.

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, ở các quán ăn, quán cà-phê, cơ quan, nơi hội họp đông người, người ta tha hồ thả khói thuốc một cách vô tội vạ và bắt những người chung quanh phải hít thở làn khói độc bất đắc dĩ đó. Như vậy là ở đâu, đi đâu, môi trường quanh ta cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng ta đang tuyên chiến với cái chết do chính chúng ta gây ra. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã thường xuyên phản ánh, nhiều làng, xã của nước ta bị mắc bệnh ung thư hàng loạt. Phải chăng đó là tiếng chuông cảnh báo chúng ta về sự hủy hoại vì ô nhiễm môi trường.

Đã đến lúc chúng ta phải chung tay, góp sức bảo vệ môi trường. Hãy ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả đối với những hành vi, việc làm tổn hại đến môi trường.

HOÀNG BÍCH HÀ

;
.
.
.
.
.