.

Hàng quê ra phố

.

4 giờ sáng, trong khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì tại các cổng chợ đã nhộn nhịp người, xe. Những chiếc xe tải, xe máy, xe ba gác từ khắp nơi đổ về, xe nào cũng đầy ắp các loại rau, củ, quả. Một lượng hàng tiêu thụ ở các chợ được chuyển từ quê ra phố....

Lấy đêm làm ngày

Góc chợ rau của người Điện  Ngọc  tại  chợ Mới.    

Ngày nào cũng vậy, cuối giờ chiều, chị Trần Thị Nga, ở thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam lại chạy xe máy quanh xóm. Phía sau xe gài 2 chiếc giỏ lớn để đựng rau quả. Mua nhà này một ít rau cải, rau mồng tơi, rau sam, nhà kia một ít ngò, rau dền, bông bí... Khi rau đã chất đầy một xe, chị về xả hàng xuống trước hiên nhà, rửa sạch rồi bó lại từng bó, lặt tỉa những lá úa vàng, sâu bệnh.

Những lúc rảnh, chồng chị cũng ngồi phụ vợ bó rau. Chuẩn bị xong cũng gần 10 giờ đêm. Hai sọt hàng nặng chừng 70-80kg được chất quanh trên chiếc xe Cúp cũ kỹ. Chừng 3 giờ sáng, khi mọi người ở quê còn chìm trong giấc ngủ thì chị đã thức dậy, chạy xe gần 40km ra Đà Nẵng cho kịp buổi chợ sớm.

Gặp chị Nga ở cổng chợ Siêu thị Bài Thơ khi chị đang hối hả phân hàng hóa, bàn tay dơ bẩn vì mủ rau. Mắt vẫn dán chặt vào chồng rau dền vừa bốc xuống, chị cho hay: “Tôi bỏ mối các loại rau bầu, bí, hành, mướp, ổ qua ở Đà Nẵng gần 7 năm nay. Dù mưa hay nắng cũng phải đi. Mình nghỉ một bữa là có người giành phần ngay”. Nói xong, có lẽ nghĩ mình bị hớ, chị chữa thẹn: “Nói thế chứ vất vả lắm em à, chẳng tối nào được ngon giấc vì cứ lo cho buổi chợ ngày mai. Giờ còn biết hẹn cái đồng hồ báo thức, chứ ngày trước cứ ngủ một chặp là lại lọ mọ ngồi dậy xem đồng hồ, sợ trễ. Giờ cũng quen rồi, không đi chợ là thấy thiếu thiếu, không chịu được”.

Ngồi bên cạnh, chị Hòa cùng quê Nam Phước góp lời: “Mấy chị em theo nhau buôn bán gần mười năm nay. Trước đây phải đi xe đò trong đó ra. Từ ngày sắm được cái xe máy làm phương tiện, mấy hôm đầu chồng chở đi, sau rồi tụi chị cũng tập tành đi xe máy. Có lần đi suýt bị ngã vì hàng nặng mà đường lại tối”. Ngừng một lát, chị chỉ chiếc Honda đã cũ rồi tiếp: “Ngó thế chứ nó theo tôi ngược xuôi phố phường chục năm rồi đó. Buôn cái nghề này vất vả nhưng khá vui vì đi đâu cũng gặp bạn hàng”.

Khác với chị Nga, chị Hòa đi buôn một mình, vợ chồng anh Minh quê ở Điện Bàn sóng đôi buôn bán gần 20 năm nay. Anh chị bỏ mối rau thơm ở chợ Đầu mối và chợ Siêu thị Bài Thơ. Bắt đầu từ 1 giờ đêm, vợ chồng anh lái chiếc xe tải khoảng 4 tấn vào mua hàng ở chợ Nam Phước, Vĩnh Điện rồi ngược ra Đà Nẵng bỏ mối cho bạn hàng. Có hôm hàng ít phải đến tận ruộng thu mua. Anh Minh tâm sự:
 
“Theo cái nghề này riết rồi lấy đêm làm ngày, đi làm mà cứ nơm nớp sợ trời sáng lại muộn buổi chợ. Buôn có bạn, bán có phường, uy tín của mình ngoài phụ thuộc vào lượng rau quả tươi, rẻ, bảo đảm số lượng còn là sự chịu khó, đúng giờ để bạn hàng khỏi chờ đợi”. Có lẽ nhờ thế mà vợ chồng anh gầy dựng được nhiều mối quen, hàng hóa mang ra không sợ bị ế, thu nhập bình quân mỗi ngày trên dưới 2 triệu đồng. Trong khi nói chuyện, anh Minh vẫn thoăn thoắt lấy hàng ra khỏi xe, vừa cân hàng, vừa tính tiền, vội vàng như sợ trời sẽ sáng, không kịp phân hàng cho những người mua về bán lại ở các sạp.

Muôn nẻo về phố

Quang cảnh thường thấy tại các buổi chợ sớm.

 

Rời chợ siêu thị, chúng tôi có mặt tại chợ Túy Loan khi kim đồng hồ đã nhảy qua vạch thứ 7. Lúc này, chợ đã thưa hơn. Trên chiếc xe Honda không còn mới, chị Phạm Thị Nguyệt ở tổ 3, Hòa An, Cẩm Lệ đang chất vội mấy bó rau lang, sam, dền, rau muống, dưa chuột... lên đầy một xe. Khi mới làm nghề này, chị Nguyệt thường chạy xe máy xuống tận Hòa Liên, Hòa Tiến để mua rau trong vườn dân. Đường xa nên phải đi từ sáng sớm, trừ chi phí xăng xe, lời lãi không được bao nhiêu.

Đi buôn một thời gian, khi đã quen nếp chợ, chị chuyển lên mua hàng ở chợ Túy Loan gần 3 năm nay. Tại đây rau được người nông dân mang đến bán tận chợ. Từ khi chuyển lên mua ở chợ Túy Loan, thời gian từ nhà đến chợ chỉ mất 25 phút nên chị ra khỏi nhà lúc 5 giờ sáng, mua lại rau quả của 9 - 10 mối quen rồi ngược về bán tại chợ Hòa An, quận Cẩm Lệ. Đưa tay quệt mồ hôi, chị tâm sự: “Chị mua từ 1,5 đến 2 tạ rau nên không cần phải đi sớm, phần lớn là mua lại rau của dân địa phương nên mua thiếu tiền cũng được. Bán xong ngày mai mang tiền lên trả. Mỗi ngày lãi cũng được 100.000 đồng. Vất vả nhưng có đồng ra đồng vào cũng ham em à”.

Ở những buổi chợ sớm, người mua và bán ai cũng tỏ ra hối hả. Người bán hối hả vì lo trời sáng, người mua thì vội vàng để kịp giờ mở hàng. Trao đổi, mua bán xong, có người lại tấp vào ăn vội tô mỳ Quảng, có người chỉ ăn qua loa ổ bánh mỳ để về kịp buổi chợ. Mỗi người mang một hình dáng, gương mặt khác nhau nhưng theo lời bộc bạch của anh Minh: “1 giờ sáng, đang ngủ ngon giấc đã phải dậy đi lấy hàng rồi, cả năm chỉ nghỉ được ngày 30 Tết. Cực vậy đó, nhưng đã quen rồi, không làm thì buồn lắm. Những hôm ốm không chạy xe được, người lại thấy nôn nao vì nhớ chợ. Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe nên chỉ những người trẻ tuổi mới có thể đeo bám được”.

Đến chợ Mới, những tiểu thương mang hàng ở quê ra hầu hết quê ở Điện Ngọc, huyện Điện Bàn. Những chị Trần Thị Bay, chị Hồng, chị Minh, chị Sáu... chuyên bán rau quả, nấm, đậu, trứng gà... Người này bán được lại rủ người kia buôn cùng, đến nay ở chợ Mới đã có gần 40 tiểu thương người Điện Ngọc buôn rau, bán quả. Các chị ngồi thành một cụm nhỏ, tạo thành một nét riêng.

Đưa hàng từ quê ra phố, mỗi chợ mang một đặc điểm riêng. Như tại chợ Siêu thị Bài Thơ, tập trung tiểu thương ở Đại Lộc, Nam Phước và cả ở thị trấn Hà Lam của huyện Thăng Bình; ở chợ Mới là các chị ở thôn 4, thôn 5 Điện Ngọc... Nhiều chợ khác nữa, sẽ tập trung các dì, các chị ở một vùng quê nào đó ở Quảng Nam, tiếp sức cho các chợ của Đà Nẵng. Sáng đi, trưa về. Vòng xe đều đặn chở rau từ quê ra phố...

TIỂU YẾN

 

;
.
.
.
.
.