Vị thế của biển đảo chưa bao giờ bị xem nhẹ, trái lại nó được khẳng định rõ ràng trong từng thời kỳ lịch sử bởi đó là một phần máu thịt quốc gia và các biện pháp phòng thủ từ phía biển là cả một sự nghiệp giữ nước.
"Đà Nẵng hải khẩu" đúc trên Dụ Đỉnh (trong bộ Cửu đỉnh) thời Minh Mạng ở Huế. (Ảnh tư liệu) |
Tháng 12-1835, vua Minh Mạng sai “cấp đồ nhung phục cho quan Quảng Thủy để dùng mặc khi có sai phái và xét hỏi các tàu buôn ngoại quốc”. Việc quy định tàu phương Tây chỉ được đến buôn bán ở Đà Nẵng, không được lập cơ sở buôn bán trên đất liền cũng không ngoài mục đích là để dễ bề kiểm soát. Năm Minh Mạng 18 (1837), có dụ rằng:
“Tấn Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam là nơi bờ bể quan trọng ở gần Kinh kỳ, tàu thuyền nước ngoài qua lại, quan hệ không phải là nhỏ. Vậy chuẩn định: từ nay phàm tàu thuyền nước ngoài bất kỳ đến khu tấn Đà Nẵng mà đậu nhờ, thì không kể là dấu hiệu nước nào và là kiểu thuyền gì, viên tấn thủ tấn ấy phải tự đến hỏi rõ tình hình. Nếu là việc quan trọng, thì lập tức làm tờ tâu do đường trạm phi ngựa dâng lên, hoặc do lệ tối khẩn phát trạm đưa vào tâu...”
Để đề phòng tàu phương Tây có thể đến cửa biển khác khó đối phó, tháng 5 năm 1835, Minh Mạng truyền dụ cho các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Biên Hòa, Gia Định: “Từ nay phàm các thuyền của Tây dương đến đỗ ở tấn phận nào thì viên tấn thủ ở cửa biển ấy đem thông ngôn hoặc người nhà Thanh biết tiếng Tây dương đến tại chỗ xét hỏi lý do đến và xem xét hình dáng, màu sơn, cờ hiệu, số người ở trong thuyền nhiều hay ít, thuyền đó là thuyền buôn hay thuyền chiến. Nhất nhất ghi rõ, lập tức báo tỉnh.
Nếu thuyền buôn thì theo lệ thường mà làm; nếu là tàu chiến thì một mặt phi tấu, một mặt sai phái binh thuyền canh phòng nghiêm ngặt ở tấn phận và phi tư cho tỉnh láng giềng phòng bị. Thuyền ấy đi ngày nào, hoặc vẫn đóng lại làm việc gì, cũng cho phép tiếp tục tâu lên để biết rõ tình trạng”. Đến tháng 12 năm 1835 lại có quy định như sau:
“Khi đến đậu phải xét hỏi trong tàu có bao nhiêu người, đăng ký rõ ràng, bẩm lên thượng ty, mới cho lên bờ, mua bán với các cửa hàng chợ búa gần đó, nhưng phải nghiêm việc phòng bị, không cho ở tản mát nhà dân, mua bán xong rồi lại điểm đủ số người, đuổi ra biển không cho một người ở lại”. Trước đó, vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đã có chỉ: “Từ nay về sau, phàm (tàu nước ngoài) đến buôn ở các địa phương, phải có hàng hóa mới cho vào cảng, không cho nói ỷ vào việc đưa thuyền không đến đón khách để ngăn tình tệ gian trá. Ai trái lệnh thì nghiêm trị không tha”.
Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), quy định về kiểm soát tàu thuyền nước ngoài như sau: “Thuyền các nước đến có chạy vào khu tấn, thì trước khi sắp đến hải phận tấn này, phải kéo cờ hiệu lên để tiện ghi nhận. Khi thuyền nước ngoài mới vào tấn đậu lại, tiếp được viên tấn thủ ủy người đến gạn hỏi, thì phải đem ý kiến tới đấy đáp lại rõ ràng.
Nếu có bắn súng mừng thì đài trên thành cũng bắn 3 phát đáp lại. Sau khi thuyền nước ngoài đậu lại, nếu chỉ lấy củi lấy nước thì cho vào lấy ở nơi gần bờ, lấy củi thì phải lấy ở núi Trà Sơn, gánh nước thì phải gánh ở chợ Hàn. Không được di tản vào làng xóm. Một hai ngày lấy xong thì chở đi, không được ở lâu để gây việc. Thuyền nước ngoài nếu muốn lên chợ ở trên bờ, tìm mua thức ăn thì cũng không cấm, nhưng chỉ cho đi trong số 10 người.
Không được đi quá nhiều và không được mang theo binh khí, súng trường, lên bờ để bắn càn. Thuyền nước ngoài đến đậu lại để buôn bán, thì khi báo cáo hàng hóa, phải đem cả số người đáp theo trong thuyền và các số súng ống, khí giới là bao nhiêu, khai bẩm minh bạch, do viên tấn thủ kiểm điểm đích thực, ghi chép rõ ràng, kể rõ nguyên do chuyển bẩm và cho lên bờ tùy nơi gần tiện chợ mà buôn bán. Xong việc, lại kiểm soát kỹ lưỡng rồi cho về thuyền. Không được ngầm ở lại trong nhà mọi người. Nếu ai trái lệnh thì lập tức bắt giữ, chiểu theo luật “kẻ nước ngoài vào cõi” mà xử tội chém đầu. Còn người cho bọn ấy ngầm ở, thì cũng xét tội như kẻ phạm pháp kia.
Thuyền nước ngoài đến đậu ở cửa tấn không được đi lại riêng với người ta, ngầm thông tin tức và không được cho người ta đến thuyền, để đến nỗi gây ra chuyện”.
Đối với tàu thuyền trong nước, việc qua lại nơi đò ải, cửa biển, nhà Nguyễn có quy định cụ thể khác. Minh Mạng năm thứ 20 (1839), quy định: “Xét Quảng Bình từ bến đò thôn Động Hải, chuyển ra cửa biển Nhật Lệ, do đường biển vào cửa biển Linh Giang; Quảng Nam từ bến đò Thanh Khê do đường biển đến thẳng bến đò trạm Thừa Phúc phủ Thừa Thiên, hai bến đò ấy vốn không đi qua cửa ải và đồn biển.
Từ trước vốn không đặt bến đò ở đấy, chỉ là chủ thuyền xoay kiếm nhiều lợi, mà hành khách cũng cẩu thả tránh sự khó nhọc, đến nỗi kẻ gian manh nhân thế mà được lẻn qua nơi ấy. Nay đều cấm chỉ. Vẫn do hai đồn biển Hải Vân, Nhật Lệ xét hỏi nghiêm ngặt”.
Thuyền của thủy binh VN thời Tự Đức. (Ảnh tư liệu) |
|
Những hoạt động kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển chính là việc trực tiếp tiếp cận để xét hỏi tàu thuyền lúc cập cảng để tùy nghi xử lý, như tháng 12-1836, tàu binh nước Pháp vào đậu tại hòn Mỏ Diều thuộc tỉnh Quảng Nam. Khiến người ra hỏi, họ trả lời rằng: “Tàu ở thành Tu Lông, Đức quốc trưởng khiến đi thao diễn đàng biển đã hơn 1 năm; nay từ Mã Cao trở về, xin ở lại một vài ngày để lấy củi”. Qua ngày mai, bắn một phát súng lớn rồi chạy đi
Trên thực tế hoạt động kiểm soát cũng không tránh khỏi những hạn chế. Có khi quan phụ trách không tâu báo một tàu Pháp vào tránh gió, người phụ trách bị phạt: “Lúc ấy tàu Pháp bị gió, ghé vào tránh gió rồi đi không có ý gì. Sao đã cho người ra hỏi lý do rồi mà không tâu lên, chỉ nói qua loa cho xong việc? Tên Nguyễn Đức Chung làm việc sơ lược, phạt bổng 3 tháng để răn tội” (tấu ngày 3-7-1841).
Châu bản cho biết, ngày 27-6-1838, Lãnh binh Quảng Nam và Thủ ngự Đà Nẵng Trương Hữu Xuân tâu: “Sáng nay có tàu ngoại quốc đỗ tại hòn Mỏ Diều ở ngoài biển, Trương Hữu Xuân và thơ lại Nguyễn Chiêm Lượng ra xét. Khi có quân binh dụng đầy đủ tại thuyền.
Ra hỏi thì không có thông ngôn nên không hiểu tiếng nói. Xét thì đó là thuyền binh, thấy cờ như thuyền của nước Phú Lãng Sa (Pháp), có ba cột buồm, mỗi cột 4 tầng, có chừa cửa súng 52 lỗ. Thuyền dài ước 13 trượng (khoảng 52m), rộng ước 3 trượng, súng đại bác 52 khẩu, súng độ kim 8 khẩu, súng điểu thương 400 cây, gươm đao 100 cây, số người hơn 400. Trong kho, đồ đạc không kiểm được”.
Ngay lập tức Minh Mạng cử Đào Trí Phú và Lý Văn Phức vào Đà Nẵng xét, phái đoàn này có báo cáo: “Tuân dụ tới Đà Nẵng thương thuyết với thuyền Phú Lãng Sa nhưng chủ thuyền tên Lập Lạc nói đi các nước để thao diễn, không phải đi về quốc sự. Thuyền chỉ đậu lại vài ngày để mua củi, nước, thực phẩm và sửa dây buồm. Chúng tôi có mời lên công quán nhưng họ không lên vì không phải đi việc công, cho nên không dám lên. Phái viên hỏi sao đổi hiệu cờ, chủ thuyền cho biết đã đổi từ lâu, nhiều nước đã biết và xin vài ngày nữa sẽ ra đi”.
Vào thời Thiệu Trị, cũng xảy ra trường hợp tương tự, khi thuyền Pháp nhổ neo ra đi, thủ ngự còn mang lính đi thuyền theo dõi để đề phòng: “Trước đây đinh thuyền Phú Lãng Sa đậu tại dương phần cù lao Mỏ Diều cửa Đà Nẵng. Tôi đã dâng sớ tâu lên. Hôm nay vào khoảng giờ Tỵ, thuyền ấy nhổ neo ra khơi, tôi liền sức Thủ ngự Võ Văn Hóa đem lính lệ đi thuyền theo dõi để đề phòng.
Thấy thuyền ấy theo chiều gió đông thẳng ra khơi, đi xa không thấy bóng buồm” (tấu ngày 17-2-43). Bản tấu ngày 19-1-1849 thời Tự Đức cho biết, “Tuần phủ Bình Định Lê Nguyên Trung báo cáo về việc một chiếc tàu thủy chạy bằng động cơ của một nước Tây Âu vào đậu ở hải phận thuộc cửa biển Thị Nại ngày 18-1. Vì không có thông ngôn nên không hỏi han gì được, khi thông ngôn tới trời đã quá tối nên lại không tiện đến hỏi. Tới giờ Tuất chiếc tàu đó đã nhổ neo chạy đi rồi. Do đó không biết được chiếc tàu đó là của nước nào, trên tàu có bao nhiêu người”.
Những sự việc trên cho thấy việc kiểm soát tàu thuyền vẫn còn nhiều thiếu sót, như không có thông ngôn túc trực, không biết người Pháp đã thay đổi cờ “từ lâu”, không dám xét hỏi khi trời đã tối, thậm chí họ đến rồi đi mà trấn thủ không biết thông tin gì khác.
Như vậy, để quản lý đất nước và thực thi chủ quyền vùng biển, nhà Nguyễn đã có nhiều quy định để kiểm soát tàu thuyền ra vào, đặc biệt lưu ý đến tàu phương Tây. Những hoạt động ấy đã góp phần lớn vào việc nắm bắt thông tin, bảo đảm an ninh quốc phòng và thu thuế, điều đó hẳn vẫn còn ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi vấn đề Biển Đông đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia.
Lê Tiến Công
1. Đỗ Bang (1997), Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 96.
2. Cao Xuân Dục tuyển tập (2002), Tập 1, Quốc triều sử toát yếu, Bản dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, Tr. 256.
3, 5. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 417-418.
4, 6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Hà Nội, Tr. 770; Tr 838.
7, 8. Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, Tr. 418-419; Tr 412.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, Sđd, Tr. 796.
10. Cao Xuân Dục tuyển tập (2002), Tập 1, Sđd, Tr. 265.
11. Trung tâm nghiên cứu Quốc học (2005), Châu bản triều Tự Đức, Sđd, Tr. 21
12, 13, 14, 15. Châu bản Triều Nguyễn (mục lục), Bản thảo viết tay, Tư liệu đề tài khoa học cấp nhà nước KX - ĐL: 94 –16, Thiệu Trị, tập 6, Tr. 76; Tr 30; Tr 106.