.

Nét hồn hậu giữa chợ quê, chợ phố

.

Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ sạch sẽ, mát lạnh đang ngày một trở nên phổ biến nhưng chợ vẫn không hề thiếu vắng người mua. Chỉ một ít người đổi thói quen mua sắm từ chợ sang siêu thị. Bởi đi chợ là một cách để làm mới mình và không bị “lạc hậu” với thị trường. Đến từng cái chợ nhỏ, chợ lớn mới nhận ra rằng, dù chợ quê hay chợ phố vẫn có bao nhiêu con người hồn hậu, chân chất giữa cái nơi người ta gọi là “kẻ chợ”, để níu kéo người nội trợ đi-đến mỗi ngày; và nhận ra sao nhiều người bán hàng còn thiếu vắng nụ cười, câu chào đon đả...

Những bà mẹ quê mộc mạc là linh hồn làm nên nét văn hóa của chợ và cả một vùng đất.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm cho rằng, muốn hiểu biết về vùng đất nào, xin mời đến… chợ, để khám phá nền văn hóa mang tính chất cộng đồng của người Việt. Và dù bị siêu thị cạnh tranh, chợ vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn, vì hàng hóa được buôn bán giữa chợ trời hay nhà lồng, dễ hư hại nên luôn phải tươi ngon; nơi đó không chỉ có những dịch vụ chu đáo, ân cần như đây đó trong chợ có thể bắt gặp những hình ảnh người bán đang tận tâm phục vụ theo yêu cầu của khách: lặt sẵn bó rau, bào sẵn trái mướp, trái bí…; chợ còn là nơi giao lưu, học hỏi giữa con người với nhau. Văn hóa chợ, nói nghe xa lạ, hóa ra lại rất gần gũi. Nó nằm trong khát vọng được trò chuyện, chia sẻ chuyện đời thường của con người với nhau – những điều mà khách vào siêu thị không tìm thấy…

Nhưng hơn hết, tấm chân tình của người bán mới là điều khiến người mua cảm thấy yên tâm với món hàng. Đi chợ Mới, tôi thường tìm đến dì Hiền bán rau củ, vì lúc nào cũng được dì bán cho thứ rau ngon nhất và giá phải chăng. Giá rau có cao hơn bình thường một chút là được nghe dì phân trần vì nguồn hàng khan, rau ở các chợ đầu mối đội giá. Rồi dì hỏi thăm chuyện sức khỏe, công việc... thân tình y như mình là người thân.
 
Bao năm như thế, rồi tôi chuyển nhà, lúc nào đi qua chợ Mới cũng vô hỏi thăm dì mấy câu, được nghe cảm ơn rối rít. Mới thấy một cái chợ, lớn hay nhỏ, cũng có bao nhiêu người bán hàng dễ mến, dễ gần. Hay như đi chợ Đống Đa, có chị bán hàng bột mì, bột gạo nấu món bánh canh lúc nào cũng hỏi nấu cho mấy người ăn, rồi hướng dẫn cách chế biến sao cho ngon, cho khéo. Chợ Đống Đa vốn dĩ gần cảng cá Thuận Phước trước kia, được xem như là chợ cá bởi nguồn hải sản phong phú, người buôn bán trong chợ rất hồn hậu, bán đúng giá hoặc có cao thì cũng tự bớt một hai nghìn...

Nếu có đem chuyện sao chợ ở phố mà người bán hàng không nói thách ra thắc mắc, thế nào cũng được các dì, các chị cười xòa: đây là chợ quê chứ phố gì!. Nhưng nhìn quanh, thấy đời sống người dân đã khá lên rất nhiều, vùng ngoại ô thành phố đã mở lên tận Cẩm Lệ, Hòa Vang từ 10 năm nay chứ đâu còn loanh quanh như trước.

Khi đã hình thành kỹ năng đi chợ, đã biết mua thứ gì ngon, hàng nào rẻ, tự nhiên tôi đâm ra so sánh thái độ của tiểu thương các chợ. “Bản sắc” đó không phải đi vô chợ, mua bán rồi mới biết, mà đã có thể cảm nhận thấy ở các dịch vụ bên ngoài chợ như từ người giữ xe, người buôn bán thứ nhỏ đến người buôn hàng hóa lớn. Đi chợ, rồi hỏi han bạn bè, hỏi thăm cả những người đã biết cách đi chợ, nấu ăn trước cả mình vài chục năm, mới... tá hỏa là chẳng mấy người khen chợ Hàn!. Dù đây là chợ nằm ở trung tâm thành phố, phục vụ rất nhiều khách du lịch.

Cô em thèm món dưa muối, ghé chợ “cô bán cho con 3.000”, thì nhận được cái lườm “3.000 làm sao bán”. Dưa muối, thèm thì ăn cho vui chứ đâu chọn làm món chính; ở chợ khác, với giá đó mua về cả nhà có thể cùng ăn. Ở một vài gian hàng bán áo quần, người bán đã đề ra cách bán đúng giá; nhưng đi sang hàng giày dép thì người bán nói giá “trên trời”, lúc đó phải vận hành kỹ năng “mặc cả” bắt đầu trả từ nửa giá trả lên. Và đố tìm được một nụ cười cho ra nụ cười, một câu nói chân tình, kiểu như lần sau bảo khách... đừng quay lại.

Đến nhiều lần các chợ cách trung tâm thành phố không bao xa, như chợ bà Kỷ, chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) thỉnh thoảng bắt gặp cảnh tiểu thương cãi nhau vì giành chỗ ngồi, vì chị này để đồ lấn sang phần chị kia; rồi nặng nhẹ khi khách hàng đứng trước hàng này nhưng mua với sang hàng khác (bởi chỗ đứng quá hẹp)...

Để chợ mãi là nơi hấp dẫn, lôi cuốn khách hàng, nhiều chợ đã xây dựng tiêu chí buôn bán văn hóa, văn minh, lịch sự.

 

Có phải là một chút kiểu buôn bán “chất phố” đã làm giảm vẻ dịu dàng, mộc mạc của những người trước kia “rặc” cách giản dị của người vùng quê?. Còn khi về với chợ quê, thấy như trở về một nơi thân quen với tiếng chào mời đon đả. Bà Phạm Thị Loan, 72 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, buôn bán ở chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, Hòa Vang) gần 50 năm nay ngày ngày vẫn làm bạn với đôi quang gánh. Bà bán đủ thứ rau, mỗi thứ một ít.

Cũng chỉ là mua đi bán lại lấy công làm lãi, còn giá đỗ thì bà tự ủ lấy, nhưng mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 20.000 nghìn, đủ tiền thức ăn một ngày cho hai ông bà. Bà Loan nhận xét rằng, ở chợ quê người mới bắt đầu đi buôn cũng như người đã bán hàng mấy chục năm ai cũng hiền lành như nhau, chẳng bao giờ có tiếng đôi co. Ngoài là bạn hàng còn là hàng xóm láng giềng, buôn bán lấy công làm lãi nên cũng chẳng khi nào nói thách, ai cũng biết thế nên mua bán lúc nào cũng vui vẻ.

Hiện nay, lối “nói thách” và “mặc cả” truyền thống vẫn còn tồn tại, mặc dù người mua đã được phục vụ theo phương châm “khách hàng là thượng đế”. Vả lại, trả giá là một kỹ năng xã hội mà nhiều người sẽ cảm thấy trống vắng nếu thiếu nó. Đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng nhạy bén với thị trường, kỹ năng mua bán và cơ hội cho người bán hàng biết được khẩu vị của người mua hàng. Nhưng nếu vẻ hồn hậu, chân chất của nét văn hóa chợ truyền thống mất đi có thể dẫn đến sự mất mát văn hóa của người dân địa phương.

Có thể bắt gặp ở một khu chợ bất kỳ, hình ảnh những bà già lụm cụm ra chợ cứ nấn ná mãi ở một gian hàng nào đó, chuyện vãn vui vẻ với người bán cũng già – mua riết thành bạn. Chắc chắn cụ ghiền không khí của chợ và nhớ đến người bán hàng nhiều hơn là có nhu cầu mua hàng. Người ta đi chợ mỗi ngày và cả vài chục năm sau, chắc bởi nhớ chợ...

Hiền Lương

 

 

;
.
.
.
.
.