.

Thi gan cùng đá

.

Những người thợ đá suốt ngày dán mình vào vách núi, vùi mình trong bụi đá như mọi người vẫn thường nói đùa “Mỏ đá, nơi tàn phá dung nhan”, nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh, những người thợ đá vẫn phải lợm lỳ một đời thi gan cùng với đá.

Gió bụi đường vào

 

Hơn cây số đường mang tên danh tướng Lê Trọng Tấn, con đường duy nhất chạy vào mỏ đá Phước Tường, bốn mùa bị cày xới. Xe ben chở đá liên tục vào ra, mặt đường oằn mình rên siết, đêm mưa lầy lội bùn nước, ngày nắng gió bụi phủ mờ. Ngăn đường cản lối đã nhiều lần, cuối cùng người dân ở hai bên tuyến đường phải dùng “kế sách” mang các vật dụng sinh hoạt gia đình, dựng cọc tiêu buộc lái xe phải chạy vừa tốc độ. Con đường thêm bộn bề bởi ngổn ngang những chậu, xô, bàn, ghế kể cả chậu hoa và cây cảnh...

“Có rứa lái xe mới chịu chạy chậm để tránh vật cản, họ sợ bị bắt đền nên mới phải tránh chứ xếp đá tảng ra đó họ cũng cày cho nát vụn”. Hai người phụ nữ ở số nhà 115 vừa té nước chùi nhà vừa thay nhau tố khổ: “Buôn bán chi được, thuế thì không giảm, khách thì chẳng dám vào, ăn trong bụi, ở trong bùn, suốt ngày suốt đêm xe đá ra vào ầm ào không ngớt. Khổ nhất vào mùa mưa mặt đường biến thành ao, nước ngập che kín nhiều chỗ hiểm nên khách lạ qua đường nhiều phen té ngã lộn nhào. Có khi hai xe ô-tô ngược chiều tránh nhau, chạy sát hiên nhà, bánh xe cày qua vũng lội, tát hẳn cả chậu nước bùn vào mâm cơm đang ăn dở”.

Chỉ vào vạch sơn đỏ trên bờ tường, người đàn bà nói tiếp: “Nghe nói sẽ có dự án mở đường rộng thêm nhưng đo đạc, vạch ranh giới cả năm rồi mà có thấy rục rịch chi đâu. Không biết người dân ở đây còn phải chịu đựng thêm mấy mùa nắng mưa như thế này nữa. Mới rồi nhà bên đã có người chết vì bệnh lao, chắc rồi đây người dân ở vùng này có khi đi khám lao sẽ được miễn phí phải không anh?”. Nói xong chị cười, nụ cười đầy xót xa.

Nằm giữa hai ngôi trường mầm non Hoa Ngọc Lan và Thanh Thanh, ông chủ quán ăn Xuân Nam ở số nhà 73 vừa quạt than quay thịt vịt vừa lắc đầu ngao ngán nói: “Học hành chi nổi, ăn uống chi nổi, ồn ào cả ngày, chùi dọn cả ngày rồi đâu cũng vào đấy, nói mãi cũng thế, thôi cố chịu đựng cho nó quen”. Phía đầu đường Trường Chinh có tiếng còi tàu vọng lại, chỉ mấy phút chờ tàu mà dòng xe ben chở đá đã nối đuôi dưới trời trưa đổ lửa, nhìn cảnh xe máy luồn lách trước mũi những chiếc xe chở đá mới thấy mối hiểm nguy đang rình rập bên những cái cọc tiêu mà người dân đặt ở trước hiên nhà để ngăn đường, cản lối.

Ẩn mình trong đá

Những người thợ khai thác đá lầm lũi trong bụi đá giữa công trường nắng gió

 

Hết đường nhựa là cung đường đất lầy bụi bao quanh chân núi, những chiếc xe ben xé bụi lao đi hồng hộc, từ đuôi xe những cột bụi di động kéo dài phủ trắng lên mọi cảnh vật. Công trường hoang vắng bóng người qua, thỉnh thoảng có tiếng nổ mìn phá đá vọng lại, vách núi rung lên một điệp khúc âm thanh “bừng bực... bừng bực...” từ những cỗ máy đang gồng mình nhẫn nại nghiền, sàng, xay đá.

Từ trong đám bụi đá chui ra, toàn thân xám xịt một màu, anh Nguyễn Văn Thể, 51 tuổi, quê ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh, mở chiếc khẩu trang miệng hềnh hệch cười: “Chụp ảnh mần chi, để nhát à?”. Ngữ anh mà nhát được ai, thân teo má tóp chỉ có ánh mắt và nụ cười là hiền thôi, thợ đá gì mà lẻo khẻo như quả mướp héo thế kia thì làm ăn cái nỗi gì? Nghe tôi hỏi, anh độp luôn: “Thợ đá lấy thịt nuôi xương, 31 năm ngụp lặn trong bụi đá nhưng chưa phải một lần đi kiểm tra hay khám phổi gì đâu, thợ bậc 4 rồi, nếu nghỉ hưu thì cũng chỉ được triệu bạc một tháng. Thôi thì ráng vài năm nữa cho con cái học xong đại học rồi nghỉ ngơi luôn thể”.

Anh Thể là đồng hương với tôi nên cuộc trò chuyện khá thoải mái. Nhà anh ở dưới dốc Hòa Cầm, sáng vào mỏ đá, trưa ăn cơm bụi rồi nghỉ luôn ở mỏ, chiều làm tiếp đến tối mới về nhà. Vợ anh làm tạp vụ ở một trường tiểu học, hai đứa con, đứa học Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đứa học Đại học Kinh tế, xem như thế đủ biết thợ đá như anh với mức thu nhập vài triệu đồng một tháng cũng phải căng mình với cuộc đời như đá.

Đường vào mỏ đá Phước Tường.

Đứng bên cỗ máy nghiền đá đang gầm gào giữa nắng trưa, máng đá rung lên bần bật, đá vụn nhảy lưng tưng như bắp rang, bụi đá xả vào không gian như khói cuộn, những người thợ vận hành máy ngồi trong ca bin cũng bị chìm lấp trong mịt mù khói bụi. Thêm một người nữa chui ra, thân mình cũng như một khối đá chuyển động, đó là Lê Văn Dũng, quê ở Đại Lộc - Quảng Nam.
 
Mới 35 tuổi, anh đã có 16 năm ngồi trên cỗ máy nghiền đá, vừa chỉ vào bộ quần áo quá nặng vì bụi vừa nói: “Mới thay mà đã nặng thế này đây, mỗi năm chỉ được cấp một bộ đồ bảo hộ lao động, nên phải mua thêm quần áo bổ sung mới có để thay đổi thường xuyên, mà vải nào chịu được với bụi đá silic ở đây quá vài tháng”.

Trên sườn đồi, mấy bác tài ở đội xe đang ngồi chờ đổ đá, nhìn những chiếc xe ben lùi vào vị trí ở độ cao chênh vênh sườn núi, khi khối đá rầm rầm trút xuống cỗ máy nghiền, bụi đá trùm kín cả chiếc xe. Tài xế Nguyễn Quảng, 52 tuổi, nhà ở phường Xuân Hà – Thanh Khê thò đầu từ cửa ca bin nói vọng qua lớp khẩu trang: “Một ngày chạy được chừng 20 chuyến, mỗi chuyến được trả chưa đầy 5.000 đồng, nhiều lúc còn phụ thuộc vào máy nghiền, nếu máy có sự cố ngừng hoạt động thì lái xe cũng ngừng lái để chờ, vì thế thu nhập sẽ thấp hơn. 30 năm cầm lái ở mỏ đá rồi, vùi trong bụi đá nhưng cũng còn may là chưa bị hóa thạch”.

.

 

Nguyễn Hường, thợ bóng mài, quê ở Điện Bàn – Quảng Nam, chỉ vào mái đầu bạc nói vui: “Nhờ nhà báo gọi giúp cảnh sát 114 với”. Có cháy gì đâu mà gọi? – Tôi hỏi. “Thì nhờ họ phun nước dập giùm đám bụi đá kẻo hư hết phổi”. Nghe thế mọi người cùng bật cười, chợt nhớ phía dưới công trường có treo tấm áp phích với nội dung:
 
“Hãy chủ động phòng ngừa bệnh bụi phổi silic vì chưa có thuốc điều trị, bằng cách dập nước, đeo khẩu trang, trồng cây xanh và thường xuyên kiểm tra phổi định kỳ”. Những người thợ đá suốt ngày dán mình vào vách núi, vùi mình trong bụi đá như mọi người vẫn thường nói đùa “Mỏ đá, nơi tàn phá dung nhan”, nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh, những người thợ đá vẫn phải lợm lỳ một đời thi gan cùng với đá.

Ra khỏi công trường đá, thoát khỏi nẻo đường vào mỏ, thấy người nhẹ tênh, ngẫm lại miền khói đá vừa mới đi qua, xin phép Bà Huyện Thanh Quan được sửa lại mấy từ trong hai câu thơ “Hoài cổ”: “... Đá vẫn thi gan cùng xóm thợ/ Bụi còn đấu cật với cư dân...”. Mong sao một ngày nào đó miền khói đá cũng sớm theo về miền hoài cổ.

Phóng sự của Lê Gia Thụy

;
.
.
.
.
.