.

Từ chợ đêm đến phố đêm

.

Người Đà Nẵng được tiếng đi ngủ sớm. Nhưng du khách các nơi về thì ít ai chịu ngủ, bỏ ra một mớ tiền mà đi “khò” thì phí quá. Có điều, khách đến Đà Nẵng, đêm chẳng biết đi đâu.

Chợ đêm ngoại thành

Đà Nẵng vẫn còn “nợ” một phố đêm, chợ đêm đúng nghĩa.

Chợ Hòa Khánh ban ngày cũng na ná như các chợ khác ở Đà Nẵng, chỉ khi đêm xuống mới khoác lên mình dáng vẻ khác hẳn. Cũng phải đến gần trăm gian hàng ăn uống giải khát bày biện trên khu đất rộng phía mặt tiền chợ. Thực đơn các loại được liệt kê trên từng tấm biển đặt trước mỗi gian hàng: bình dân có cháo lòng, bánh canh, ốc hút, mít trộn, hến, nhộng...; cao cấp hơn có các loại khô bò, khô mực, hải sản nướng... Mát mẻ, thoáng đãng, sà vào một chỗ nào đó và lai rai vài ly với cái giá bình dân thì cũng lý thú thật.

Chợ đêm Hòa Khánh được khai trương vào cuối tháng 3 năm 2006 với tên gọi “Chợ đêm ẩm thực và trò chơi trẻ em” với 11 ngành hàng. 3 tháng sau, tiểu thương bán chợ ngày làm đơn khiếu nại vì chợ ngày đến 20 giờ mới đóng cửa thì chợ đêm bắt đầu lúc 17 giờ đã bày bán một số mặt hàng giống y chang chợ ngày như áo quần, giày dép, phụ liệu trang phục, văn phòng phẩm… Ông Đặng Quang Hưng, Phó Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, Trưởng bộ phận chợ Hòa Khánh, nhớ lại: Chúng tôi phải giảm một số mặt hàng ở chợ đêm trùng với chợ ngày, chỉ giữ lại các gian hàng bán sách báo, hoa cây cảnh, trái cây, trò chơi trẻ con.

Thành ra, tuy gọi là chợ đêm, nhưng hiện nơi này chủ yếu bán hàng ẩm thực. Các loại bánh truyền thống như bèo, xèo, ướt, mì Quảng… lúc đầu cũng được bày bán, nhưng người tiêu dùng không để mắt tới nên tất cả lại chuyển sang bán nhậu lai rai. Cũng có người bày bán hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ cho sinh viên, công nhân là hai giới chiếm lượng lớn ở Liên Chiểu, nhưng cũng đành xếp lại vì người mình có tập tục chỉ mua hàng tươi sống vào buổi sáng.

Có lẽ xuất phát từ thực tế đó mà có người đã từng đặt câu hỏi nghi ngại về chợ đêm Hòa Khánh “Chợ đêm hay điểm nhậu?”. Về điều này, ông Nguyễn Trà, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu khẳng định: “Ở đây, nhu cầu sinh hoạt người mua và người bán gặp nhau. Sinh viên, công nhân có chỗ thư giãn giữa mùa hè nóng bức với hình thức nhẹ nhàng, vừa túi tiền.

Các khu du lịch phía Tây Bắc Đà Nẵng phát triển sẽ tạo động lực cho chợ Hòa Khánh nâng tầm quy mô.

 

Nhiều nơi, người ta tự phát chiếm cả lề đường làm quán nhậu, nhưng ở đây thì chúng tôi có được chủ trương, được UBND quận phê duyệt, có quy chế, có thực hiện ngân sách. Tổ chức chợ đêm là phù hợp với tình hình thực tế xã hội ở Liên Chiểu hiện nay”.

Vậy là, sự tồn tại của chợ đêm ngoại thành sau hơn 3 năm ra đời như là “một sự tất yếu” nhằm phục vụ nhu cầu thư giãn về đêm cho cư dân Tây Bắc thành phố. Và, cho đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng vẫn còn “nợ” một chợ đêm đúng nghĩa, sau hai lần thực hiện thất bại phố đêm ẩm thực bên hông chợ Hàn và phố đêm mua sắm trên đường Hùng Vương.

Phố đêm Đà Nẵng, bao giờ?

Phố đêm, chợ đêm là những địa chỉ không thể thiếu nếu thành phố du lịch muốn giữ chân du khách. Bỏ ra một mớ tiền, không ai muốn đi du lịch để ngủ mà háo hức dạo chơi, khám phá, thư giãn, tìm hiểu ẩm thực địa phương. Về vấn đề này, “tư tưởng lớn” của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng (NCPT) đã gặp nhau. Có điều, Sở xây dựng đề án Phố du lịch Bạch Đằng, còn Viện thì đưa ra ý tưởng mở Phố đêm Bạch Đằng.

Cầu Sông Hàn sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong tuyến du lịch dọc phố đêm Bạch Đằng.

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Xã hội – Nhân văn (Viện NCPT), đường Bạch Đằng nên là phố đêm - chỉ hoạt động phục vụ du lịch vào ban đêm, hơn là phố du lịch - hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đây là tuyến đường huyết mạch của Đà Nẵng, có trụ sở nhiều cơ quan công quyền quan trọng của thành phố, lượng xe cộ lưu thông rất cao. Không thể đóng cửa tuyến phố Bạch Đằng suốt ngày đêm mà chỉ đến tối mới tổ chức tuyến phố này thành phố đêm, với thời gian hoạt động từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau.

Theo đề án, “Phố du lịch Bạch Đằng” bắt đầu từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm và kết thúc ở đường Quang Trung. Một trong những người tâm huyết với chợ đêm, phố đêm Đà Nẵng, bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT-DL), phác họa một số hoạt động của phố đêm:
 
Tối thứ bảy, chủ nhật, sẽ có nhóm ca nhạc biểu diễn ngoài trời như các nhóm hát rong ở nước ngoài. Phía trước Khách sạn Indochina Riverside Tower có ca nhạc dân tộc. Những xe đẩy bán hàng lưu niệm, những quán cà-phê “bay” chỉ xuất hiện từ tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau… Đường Bạch Đằng vốn đã đẹp, nếu vận động các hộ dọc tuyến đường chuyển đổi công năng sử dụng nhà, trang trí ánh sáng, các nhà tài trợ bắc điện chiếu sáng quảng cáo thì sẽ càng có sức hấp dẫn hơn với du khách.

Đà Nẵng được thiên nhiên hào phóng ban cho lợi thế vừa có sông, vừa có biển. Cầu Sông Hàn, chiếc cầu quay duy nhất ở Việt Nam, tự thân nó là một điểm thu hút du khách đến tham quan, nhất là những ai muốn tận mắt chứng kiến hoạt động xoay cầu để mở luồng cho tàu bè cập cảng sông Thu vào sau nửa đêm. TS. Sơn nhấn mạnh: “Khi tổ chức phố đêm ở đường Bạch Đằng, cầu Sông Hàn sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng trong tuyến du lịch dọc phố đêm này”.

Để “giữ chân” du khách lâu hơn trên phố đêm Bạch Đằng, chính quyền thành phố nên yêu cầu đơn vị phụ trách việc xoay cầu sông Hàn để mở luồng cho tàu thuyền thực hiện việc xoay cầu vào lúc 24 giờ hằng đêm, coi đây là một hình thức “trình diễn” để thu hút du khách đến với phố đêm.

TS. Trần Đức Anh Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Xã hội – Nhân văn

Sắp tới, khi hàng loạt khách sạn cao cấp ven biển lần lượt ra đời, khách quốc tế sẽ đến Đà Nẵng nhiều hơn. Bà Thơ cho biết, quận Ngũ Hành Sơn sẽ tổ chức phố đêm ở khu vực đường Huyền Trân công chúa cùng với quy hoạch công viên văn hóa tâm linh.
 
Ở Liên Chiểu, ông Đặng Quang Hưng hy vọng, khi các khu du lịch Làng Vân, Bà Nà – Suối Mơ, Suối Lương, Hầm đường bộ Hải Vân phát triển, sẽ là cơ hội để chợ đêm Hòa Khánh nâng tầm mọi mặt để khẳng định mình trong các hoạt động giải trí về đêm ở Đà Nẵng.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.