.

Xin đừng chủ quan

Tính đến 17 giờ ngày 30-6, Việt Nam đã có tổng số 131 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, một con số chứng tỏ Việt Nam đã đứng trong danh sách “nóng” những nước đang bị dịch bệnh hoành hành. Điều đáng lo ngại đã xảy ra, số bệnh nhân bị nhiễm cúm tăng rất nhanh, có ngày lên tới 13 trường hợp, bệnh xuất hiện ở cả 3 miền, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố đông dân.

Đáng lo ngại hơn, đã xuất hiện nhiều trường hợp giấu bệnh, trốn bệnh viện, không hợp tác với bệnh viện trong điều trị và cách ly, khiến cho điều nhiều người còn yên tâm là bệnh đang bị khoanh trong các khu cách ly, chưa lây lan trong cộng đồng và chưa có trường hợp nào tử vong trở nên mong manh.

Dịch cúm không kiêng nể bất cứ nước nào. Hiện nay, trên thế giới đã có 112 quốc gia có dịch, trong đó có nhiều nước phát triển, trình độ y tế rất cao. Mỹ hiện nay là nước có số người mắc dịch chiếm một nửa tổng số người bị cúm toàn thế giới và người ta dự đoán số người bị cúm ở Mỹ có thể nhanh chóng lên đến 1 triệu người.

Các nước như Canada, Anh, Úc, Nhật Bản, Singapore, Pháp cũng không tránh được dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các nước nghèo và đang phát triển như nước ta, ngoài nguy cơ chung, nguy cơ chủ yếu lại là trình độ dân trí còn thấp, ý thức tự phòng bệnh và tham gia phòng bệnh cho cộng đồng chưa cao, khiến cho bệnh có cơ lây lan.

Sự kém hiểu biết về đại dịch toàn cầu, ý thức chủ quan, coi thường bệnh tật thể hiện rất rõ ở việc đăng ký đi du lịch ở những nước đang có dịch vẫn cao, các cuộc biểu diễn ca nhạc, xem phim, thi đấu bóng đá vẫn đông người, những người đi nước ngoài về thiếu thành khẩn khai báo, việc cách ly trong cộng đồng gần như không thực hiện được vì sự thiếu tự giác của không ít người.

Cùng với nhận thức của người dân còn hạn chế, cơ sở vật chất cho việc kiểm dịch, cách ly, nhất là ở cửa khẩu, trong các bệnh viện điều trị truyền nhiễm còn hạn chế. Nếu việc điều trị và cách ly thoải mái, thuốc men đầy đủ, viện phí rẻ, thái độ chăm sóc người bệnh tốt…, chắc chắn tình trạng trốn viện, không đến bệnh viện, không khai báo bệnh sẽ giảm đi rất nhiều.

Ý thức về bệnh tật còn hạn chế dẫn đến chủ quan không chỉ đối với bệnh cúm A/H1N1 mà còn phổ biến với nhiều bệnh dịch khác như tiêu chảy, tả, sốt xuất huyết, sốt phát ban và nhiều bệnh xã hội khác. Nhưng ngoài những lời kêu gọi ra, ngành y tế và chính quyền các địa phương còn làm quá ít những việc cần phải làm.

Người ta có quyền nghi ngờ những đợt kiểm tra y tế cộng đồng, xử phạt các hành vi làm ô nhiễm môi trường, gây ngộ độc thực phẩm, mất vệ sinh thực phẩm mới chỉ là những việc làm qua loa, đánh trống bỏ dùi, nặng về hình thức để thống kê, báo cáo cấp trên. Dịch đến, dịch qua, dịch trở lại hằng năm nhưng môi trường để hạn chế, ngăn chặn dịch bệnh gần như không có biến đổi.

Giờ đây, đại dịch cúm có mức độ nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu và nguồn lây bệnh vào nước ta chủ yếu qua con đường nhập cảnh, du lịch càng đặt ra nhiều mối quan tâm, lo lắng. Chỉ cần nêu một thực trạng là tất cả các trường hợp mắc cúm A/H1N1 ở nước ta cho đến hiện nay đều thuộc diện từ các vùng có dịch trên thế giới nhập cảnh vào, cùng chung chuyến bay với người mắc dịch.

Những nơi có người mắc dịch phần lớn là các tỉnh, thành phố đông dân, trung tâm giao thông, du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và các địa phương có người từ nước ngoài trở về. Trong bối cảnh kích cầu du lịch, những thành phố du lịch ở nước ta sẽ trở thành đầu cầu cho nguồn dịch lây lan vào nội địa nếu không có biện pháp hữu hiệu đề phòng. Lẽ nào lại có thể để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, hậu quả là cả nước nhưng trước hết là các địa phương ấy phải gánh chịu những thiệt hại lẽ ra có thể ngăn chặn được.

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.