.

Phẩm chất của từ thiện

Làm từ thiện đôi khi cũng được tổ chức rầm rộ, theo những ngày lễ. Nghệ sĩ tổ chức những buổi biểu diễn tưng bừng. Nhà kinh doanh căng những biểu ngữ, những áp-phích lớn quảng bá hết cỡ cho công ty mình. Vậy là ca sĩ A, nghệ sĩ B, doanh nhân C, D lên mặt báo. Chụp ảnh, ghi tên và đương nhiên là được vinh danh. Mà đóng góp của những người nổi tiếng trên sân khấu hay thương trường không thể là vài ba trăm ngàn như mấy anh em công chức, hay mấy anh chị sinh viên.

Đó là khoản tiền có giá trị cho những người cần cưu mang, giúp đỡ. Các ca sĩ Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Thanh Thảo, Hồ Ngọc Hà, Cẩm Ly… vốn đã nổi danh trong làng giải trí nhiều năm qua, đồng thời họ cũng là những nhà từ thiện nhiệt thành. Nghệ sĩ điện ảnh Việt Trinh liên tục tổ chức những chuyến du diễn để làm từ thiện. Những thành viên trong nhóm “Bồ Câu Trắng” của chị đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cho quỹ vì người nghèo ở nhiều vùng miền của đất nước… Và còn nhiều người nổi tiếng khác làm từ thiện một cách lặng lẽ…

Nói đến từ thiện là nghĩ đến hoạt động từ trái tim, nghĩa là những nghĩa cử cao đẹp, trong sáng. Nhưng đôi khi buồn buồn chợt nghĩ một đôi người dùng từ thiện như một chiêu đánh bóng tên tuổi mình, doanh nghiệp mình. Có những ông bầu căng biển từ thiện, nhưng rốt cuộc, tiền đi đâu, không mấy ai biết. Cũng có cả những ca sĩ, biết rất rõ buổi trình diễn gây quỹ từ thiện, nhưng vẫn một mực đòi cát-xê. Nếu không thỏa mãn, sẵn sàng bỏ diễn… Tuy đó chỉ là một vài trường hợp đây đó lượm lặt được, nhưng dẫu sao bức tranh từ thiện cũng kém đi đôi phần sắc màu tươi tắn, trong trẻo vốn có của nó.

Nhưng không ít người làm từ thiện trong sự lặng lẽ của mình. Có người nhất định không cho để tên mình vào danh sách. Họ không muốn phóng viên chụp ảnh, ghi tên mình lên mặt báo. Nói tóm lại, họ làm từ thiện từ tâm, một mình mình biết, vậy là được rồi. Điều mà họ mong muốn là những gì họ đóng góp đến kịp người đang cần cưu mang. Có ông giáo tự nguyện hiến máu khi biết trong bệnh viện đang cần nhóm máu hiếm, đặc thù cùng nhóm với mình. Vậy là ông hiến máu rồi bình lặng ra về. Nhiều năm sau người được cưu mang vẫn không biết tên ân nhân của mình để tạ ơn. Có em bé, đọc báo thấy nhiều bạn ở miền núi thiếu quần áo ấm.

Vậy là em đến những gia đình giàu, có nhiều quần áo không dùng đến, xin lại. Có bộ quần áo đắt tiền, có lẽ chỉ mới mặc một đôi lần rồi bỏ, vì lỗi mốt, vì đã chật. Em đưa đến tòa báo nhờ chuyển giúp. Có những bạn trẻ tự động lập ra những nhóm tình nguyện, có khi chỉ trong một lớp học, một khoa hoặc có khi quen nhau trên mạng. Họ tập hợp nhau lại, lập nhóm để làm từ thiện: “Người tôi cưu mang”, “CLB nhóm máu hiếm”, “Nối vòng tay yêu thương”, “Chắp cánh ước mơ”, v.v… Họ không phải là doanh nhân, không là đại gia giàu có. Họ không nhiều tiền, nhưng tinh thần chung của những thành viên tham gia tình nguyện là: Việc dù nhỏ, nhưng có ích cho cộng đồng thì làm. Họ không hy vọng sắm được cần câu theo nghĩa, tạo một tương lai lâu dài cho người nghèo, cơ nhỡ, thiếu thốn. Nhưng kịp giúp người đang gặp khó khăn vậy là quý. “Một miếng khi đói” mà.

Đấy cũng là cách nghĩ khiêm nhường của những tình nguyện viên. Trong thực tế, những nhóm, hay câu lạc bộ giới trẻ thực sự đã đóng góp không nhỏ. Họ kịp thời tiếp tay cho những học sinh đang gặp khó, cho những bệnh nhân chưa có tiền chữa bệnh, cho những ngôi nhà đổ nát trong mưa bão. Lặng lẽ, bình dị là một nét trong phẩm chất của người làm từ thiện.

NHẤT NGÔN

;
.
.
.
.
.